“Loạn” thị trường đầu thu truyền hình số

Kinh tế - Ngày đăng : 06:59, 16/05/2016

(HNM) - Chỉ còn một tháng nữa là đến thời hạn (ngày 15-6) thực hiện tắt sóng 7 kênh truyền hình analog tại 4 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, tiến tới tắt sóng toàn bộ kênh analog vào ngày 15-8-2016.

Đầu thu truyền hình số có nhiều mẫu mã khiến người dân khó lựa chọn.


Hơn 460.000 gia đình được hỗ trợ đầu thu

Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, cả 7 kênh analog sẽ thực hiện tắt sóng tại 4 địa phương nói trên là các kênh không thiết yếu (theo quy định của Nhà nước), gồm: VTV6, VTV9, VTC9, H2, HTV7, Cần Thơ 1 và Cần Thơ 2. Vấn đề ở chỗ, không chỉ người dân thuộc 4 TP trên sẽ chịu tác động của việc tắt sóng analog, mà người dân của 19 tỉnh, thành phố lân cận cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Để triển khai hỗ trợ, từ đầu năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai 4 gói thầu mua sắm, lắp đặt đầu thu số DVB-T2 tại 4 TP lớn với giá hơn 270 tỷ đồng (số lượng 461.893 đầu thu). Trong đó, liên danh VNPT Technology - VietnamPost trúng 2 gói thầu mua sắm, lắp đặt thiết bị tại Cần Thơ và 5 tỉnh phụ cận, TP Hồ Chí Minh và 6 tỉnh phụ cận; liên danh Tecapro - Vietcoms trúng gói thầu tại Hà Nội và 5 tỉnh phụ cận; VTC trúng gói thầu tại Hải Phòng và 3 tỉnh phụ cận. Theo đại diện của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, chậm nhất trong vòng 45 ngày các nhà thầu phải hoàn thành việc lắp đặt cho hộ gia đình. Theo ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc Quỹ Viễn thông công ích thuộc Bộ TT-TT, các nhà thầu đã phối hợp với UBND 4 TP triển khai việc lắp đặt đầu thu truyền hình số DVB-T2 và đang hoàn thiện nốt những khâu cuối cùng để kịp thời bảo đảm tiến độ đề ra theo quy định.

Theo Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan, việc tắt sóng này được BCĐ rút kinh nghiệm và tham khảo tại Đà Nẵng. Để tắt sóng analog hoàn toàn trên địa bàn vào ngày 1-11-2015, Đà Nẵng đã thông báo về kế hoạch tắt một số kênh truyền hình không thiết yếu, nhưng lượng thiết bị thu truyền hình số tiêu thụ rất chậm so với kết quả điều tra, khảo sát. Chỉ đến khi ngừng phát sóng hẳn các kênh không thiết yếu, người dân mới đi mua thiết bị đầu thu truyền hình số. Chỉ trong vòng một tuần, hàng chục nghìn thiết bị đã được tiêu thụ hết.

"Từ kinh nghiệm của Đà Nẵng, việc tắt sóng analog tại 4 TP lần này chỉ thực hiện đối với một số kênh truyền hình không thuộc diện thiết yếu, không phù hợp với định hướng quy hoạch trước. Đây là một động tác kích thích mạnh đối với những hộ, những gia đình không thuộc diện hỗ trợ và chưa thực hiện chuyển đổi" - ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh.

Ai quản lý thị trường đầu thu?

Các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ đầu thu truyền hình số sẽ không gặp khó khăn liên quan đến đầu thu truyền hình số. Song, còn hàng triệu hộ gia đình đang sử dụng ti vi thế hệ cũ trong cả nước, trước hết là các hộ tại 4 TP lớn và 19 tỉnh, TP lân cận, có thể chịu tác động không nhỏ khi lựa chọn mua thiết bị thu truyền hình số trên thị trường.

Theo BCĐ Đề án số hóa truyền hình, đến nay có 718 mẫu ti vi đã tích hợp chức năng thu truyền hình số, 67 mẫu đầu thu DVB-T2 đúng chuẩn. Nhưng trên thị trường hiện có hàng trăm mẫu thiết bị đầu thu truyền hình số với các mức giá dao động đến 700.000 đồng/bộ. Có nghĩa là, rất nhiều mẫu thiết bị không bảo đảm và người dân vì thiếu hiểu biết hoặc vì tham rẻ sẽ lựa chọn để rồi "tiền mất, tật mang"… Thêm nữa, từ bài học của Đà Nẵng, khi tắt hẳn kênh analog, là lúc người dân đổ xô đi mua đầu thu dẫn đến tình trạng cháy hàng, khan hàng và các cửa hàng kinh doanh nâng giá để trục lợi.

Một vấn đề không thể không kể đến đó là từ ngày 7-4-2016, Tổng cục Hải quan đã áp thuế nhập khẩu tăng 35% đối với những loại đầu thu truyền hình không có tính năng kết nối internet và tương tác với người dùng như đầu thu số DVB-T2, truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh. Do đó, giá thiết bị thu truyền hình số trong nước tăng 100.000-200.000 đồng. Thực tế này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành để quản lý tốt thị trường đầu thu. 

Việt Nga