Không để lãng phí chất xám
Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 16/05/2016
Với đề tài này, hệ thống thông minh kiểm soát lái xe không uống rượu bia có nguồn điện lắp dưới sàn xe và một ống thổi đo nồng độ cồn được đặt phía trên tấm kính trước mặt lái xe. Trước khi khởi động xe, người điều khiển bắt buộc phải thổi vào ống đo nồng độ cồn. Nếu phát hiện thấy có nồng độ cồn trong hơi thở thì hệ thống đề sẽ không hoạt động, xe không thể đi được. Nhằm tránh việc tráo đổi người thổi với người điều khiển phương tiện thực sự, hệ thống còn có cảm biến vân tay, cảm biến nhiệt độ và nồng độ cồn… Dù được giải ở cấp quốc gia, mang đầy tính sáng tạo, nhân văn, nhưng đến thời điểm này, đề tài vẫn đang được "cất vào tủ".
Mặc dù đã nỗ lực, kiên trì trong "cuộc chiến" đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT) với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, tốn kém không ít kinh phí, nhân lực, song mỗi năm cả nước vẫn còn tới gần 9.000 người chết và hàng chục nghìn người khác bị thương vì TNGT. Nhiều vụ trong số đó có nguyên nhân từ lái xe sử dụng chất kích thích (đặc biệt phổ biến là rượu, bia) trước khi điều khiển phương tiện. Muốn từng bước kiềm chế và đẩy lùi TNGT phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng hạn chế được tình trạng lạm dụng bia rượu chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong giảm thương vong vì TNGT.
Một sáng kiến đã được một cuộc thi cấp quốc gia công nhận và trao giải. Vì một mục tiêu chung, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan chuyên ngành trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần tiếp cận, phân tích khả năng ứng dụng của đề tài. Nếu khả năng ứng dụng cao thì có thể có các giải pháp hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm. Còn nếu lại để "cất vào tủ", sẽ thực sự lãng phí chất xám và không khuyến khích sự say mê sáng tạo của các nhà khoa học cho các lợi ích của cộng đồng.