Phải gần dân, lắng nghe ý kiến cử tri

Chính trị - Ngày đăng : 06:41, 16/05/2016

(HNM) - Bảo đảm sự bình đẳng giữa những người ứng cử trong quá trình vận động bầu cử là nội dung cần đặc biệt quan tâm, góp phần để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật.



Trong hơn nửa tháng diễn ra hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, MTTQ các cấp đã giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn hiện tượng sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hay lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về vấn đề này, nhấn mạnh các ứng cử viên phải thực sự gần dân, hiểu dân và vận động bầu cử đúng luật.

- Đây là giai đoạn những ứng cử viên đang tiến hành vận động bầu cử. Ông có lưu ý gì trong quá trình triển khai?

- Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được công bố về các đơn vị bầu cử. Theo luật định, những người ứng cử tiến hành vận động bầu cử ngay sau đó cho đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (chủ nhật, ngày 22-5-2016). Trong quá trình vận động bầu cử, người ứng cử cần lưu ý chấp hành đúng các quy định của pháp luật, nhất là những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử, trong đó có việc sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hay lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Điều này rất dễ xảy ra và MTTQ đã, đang tăng cường giám sát qua rất nhiều kênh thông tin khác nhau. Nếu phát hiện, MTTQ có quyền yêu cầu dừng và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.

Một lưu ý nữa, các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

- Từ thực tiễn làm công tác phục vụ bầu cử, ông có lời khuyên nào cho người ứng cử khi tiến hành vận động bầu cử?

- Theo tôi, để nhận được sự ủng hộ của cử tri thì chương trình hành động của người ứng cử phải thật rõ ràng, dễ hiểu và tập trung vào những mối quan tâm của cử tri tại địa phương nơi ứng cử. Để làm được, người ứng cử phải tìm hiểu rất kỹ về kinh tế - xã hội, đặc điểm địa lý, dân cư, cả về dân tộc, tôn giáo nơi mình ứng cử để có chương trình hành động sát với thực tế. Đặc biệt, cần dành nhiều thời gian cho việc tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; tổng hợp đầy đủ gửi cơ quan có thẩm quyền và sẽ đôn đốc giám sát việc giải quyết. Khi có kết quả giải quyết, phải về thông báo cho chính quyền địa phương, cử tri biết. Đó là mong muốn lớn nhất của cử tri. Ứng cử viên cũng cần cập nhật đầy đủ chương trình, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, cơ quan mình công tác, vì có nắm vững thông tin liên quan mới có cơ sở đưa ra câu trả lời đầy đủ, thuyết phục nhất với băn khoăn của cử tri. Một vấn đề nữa nhiều cử tri mong muốn là đại biểu không né tránh các vấn đề gai góc, bức xúc của nhân dân để phát biểu hoặc chất vấn tại các diễn đàn Quốc hội, HĐND.

Ý kiến của cử tri là một trong những kênh thông tin giúp cho các ứng cử viên hoàn thiện các chương trình hành động. Ảnh: Anh Tuấn


- Có nên có những cuộc tranh luận giữa những người ứng cử để cử tri có thể đánh giá chính xác về năng lực, trình độ của từng người không?

- Luật chưa có quy định phương thức này, tôi nghĩ nếu có cũng rất tốt. Việc tranh luận sẽ giúp cử tri có những nhìn nhận, đánh giá đầy đủ hơn về chương trình hành động của những người ứng cử, thậm chí là cả kỹ năng, phong thái của người ứng cử. Hiện tại, để cử tri hiểu hơn về người ứng cử, MTTQ khuyến nghị các địa phương trong quá trình tổ chức những hội nghị tiếp xúc cử tri cần tăng cường sự đối thoại giữa cử tri với người ứng cử, tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH, đại biểu HĐND.

- Chỉ còn 6 ngày nữa, cử tri sẽ đi bỏ phiếu bầu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Nếu có khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử, quy trình giải quyết thế nào để bảo đảm kịp thời và chính xác?

- Những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử ĐBQH, kể cả việc lập danh sách những người ứng cử ĐBQH sẽ được gửi đến Ban Bầu cử ĐBQH, Ủy ban Bầu cử ở cấp tỉnh, Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban Bầu cử, Ủy ban Bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng Bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng Bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND thì Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo công khai cho cử tri biết.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Phong