“Vàng đen” mang tín hiệu lạc quan?
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:36, 16/05/2016
Giá dầu tăng cao nhất trong 6 tháng qua khiến các nhà sản xuất dầu mỏ vui mừng. |
Khép lại phiên giao dịch ngày 13-5, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6-2016 là 46,21 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7-2016 là 47,83 USD/thùng. Chuyên gia cấp cao Michael Poulsen của Global Risk Management cho rằng hoạt động sản xuất dầu mỏ gián đoạn ở Canada và Nigeria sẽ tiếp tục là những yếu tố chi phối giá dầu trong ngắn hạn. Đây được coi là tín hiệu tích cực với các nhà sản xuất dầu mỏ cũng như giới giao dịch trên thị trường "vàng đen".
Sự kiện Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo về thị trường năng lượng thế giới hôm 12-5 được coi là chất xúc tác mới đẩy tăng giá dầu, nhưng cũng khiến giới đầu tư có những suy đoán trái ngược nhau. Theo IEA, lượng dầu lưu kho toàn cầu sẽ "giảm mạnh" trong nửa cuối năm nay, nhưng cũng cảnh báo sẽ tiếp tục tăng trong những ngày còn lại của nửa đầu năm nay. Sự tăng này là do Iran vẫn quyết tăng sản lượng để "lấp đầy" thiếu hụt tài chính sau những năm dài bị cấm vận. Hành động của Tehran được cho sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thừa cung kéo dài gần 2 năm qua.
IEA cho biết, sản lượng dầu thô tại hầu hết các nước sản xuất trên thế giới đều giảm, dẫn đầu là sự sụt giảm sản lượng của Mỹ. Theo thống kê của Hãng Baker Hughes, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 10 giàn trong tuần trước, ghi nhận tuần sụt giảm thứ tám liên tiếp. Bên cạnh đó, sự gián đoạn nguồn cung tại Nigeria, Ghana và Canada đến nay đã vượt quá 1,5 triệu thùng/ngày. Nguyên do là tình trạng bất ổn ở Nigeria và hoạt động sản xuất dầu cát tại bang Alberta của Canada bị ngưng trệ do vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử bang này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo không nên quên thực tế rằng chính sách "đóng băng" sản lượng - được biết đến gần đây từ những nhà xuất khẩu dầu lớn - chưa bao giờ được các quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thống nhất. Sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 4-2016 tăng lên 32,76 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 4-2008. Sản lượng và xuất khẩu dầu thô của Iran cũng tăng sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hồi tháng 1 vừa qua. Tháng 4-2016, sản lượng dầu thô của Tehran tăng thêm 300.000 thùng/ngày lên 3,56 triệu thùng/ngày. Cũng khó để Iran tự giảm sản lượng khai thác khi nước này vừa thoát khỏi một thời gian dài cấm vận khiến nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, ngay sau dỡ bỏ cấm vận - dẫu đúng lúc giá dầu thế giới đang lao dốc thảm hại nhưng có ít còn hơn không nên Iran luôn "định hướng" sẽ đẩy mạnh khai thác hòng bù đắp cho những gì đã mất.
Các thành viên OPEC cũng không muốn giảm sản lượng. Bởi lẽ, "vàng đen" luôn là nguồn thu chính của các nước này. Thị trường vẫn ngập trong dầu do sản lượng của các nước Trung Đông đang tăng mạnh hơn đà sụt giảm sản lượng của Mỹ và những sự cố gián đoạn nguồn cung gần đây. IEA cho rằng sự gián đoạn nguồn cung chỉ là nhất thời và sẽ chỉ hỗ trợ giá dầu đi lên trong ngắn hạn. Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh và nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak về thị trường dầu mỏ chưa thể tái cân bằng cho đến nửa đầu năm 2017 cũng được cho là một nguyên cớ làm dấy lên "cơn sốt" bán tháo chốt lời diễn ra trong phiên cuối tuần.
Các nền kinh tế trong cơn khốn khó sẽ rất khó để cùng thỏa thuận "khóa van" xuất dầu, càng không kỳ vọng Iran sẽ làm theo. Và, dự trữ lớn cũng sẽ khiến giá dầu khó có đà tăng mạnh thực sự. Do đó, dù có lo lắng nhưng thông điệp "đi lên" của giá dầu tuần qua vẫn làm dấy lên niềm lạc quan với kinh tế toàn cầu khi dầu báo hiệu đã ngừng giảm giá.