Bài đầu: Có phải là nghịch lý?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 16/05/2016

LTS: Hoa và rau là hai nhóm cây trồng có tính chiến lược của ngành nông nghiệp bởi hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với lúa, ngô, đậu tương… Tuy nhiên, giống rau và giống hoa hiện đang bị thả nổi...


Bài đầu: Có phải là nghịch lý?

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trung bình mỗi năm Việt Nam chi hơn 500 triệu USD để nhập các giống rau, nếu cộng thêm cả các giống cây trồng khác có thể lên tới vài tỷ USD mỗi năm. Ngoài một số loại hạt rau ôn đới phải nhập như súp lơ, su hào, cải thảo... nhiều loại giống trong nước hoàn toàn có thể sản xuất như cà chua, dưa leo... vẫn phải mua của nước ngoài. Đây có phải là một nghịch lý?

Mặc dù có nhiều trung tâm, viện nghiên cứu nhưng hiện nay ngành nông nghiệp vẫn phụ thuộc nguồn giống cây nhập khẩu. Ảnh: Thái Hiền


Phụ thuộc nguồn giống nước ngoài

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, hoa và rau đang là mặt hàng Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Mặc dù tiềm năng lớn, hiệu quả cao nhưng hầu hết giống hoa, rau phải nhập khẩu từ nước ngoài dẫn tới chi phí sản xuất lớn. Ngoài ra, việc không kiểm soát được nguồn giống sẽ kéo theo rủi ro trong sản xuất vì bị lệ thuộc. Cụ thể như tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 4.000ha hoa, sản lượng trên 1,33 triệu cành/năm. Sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, tuy nhiên, 90% giống hoa của Đà Lạt phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ông Quốc Tín, đại diện Công ty Dalat Hasfarm cho biết, mỗi năm doanh nghiệp nhập khoảng 50 chủng loại hoa với trên 50 triệu củ giống hoa từ nhiều nước trên thế giới. Việc không chủ động nguồn giống khiến chi phí sản xuất tăng cao.

Hà Nội có diện tích hoa không lớn như Lâm Đồng nhưng hoa là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có 5.400ha hoa, cây cảnh. Hằng năm, nông dân tự nhân giống bằng phương pháp gieo trồng từ mầm, nhánh, hạt, củ. Tuy nhiên, chất lượng hạt giống không cao. Với các loại hoa cao cấp như ly, 100% phải nhập giống từ Hà Lan; hoa hồng cũng nhập giống từ Hà Lan, Pháp mới cho hoa có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, vụ đông, nông dân mở rộng diện tích trồng hoa ly trên đất hai vụ lúa phục vụ thị trường Tết ngày càng nhiều. Năm 2015, diện tích trồng hoa ly là 200ha, tăng gần 60 lần so với năm 2010. Việc nhập khẩu giống khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình canh tác. Một số giống nhập về không hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu trong nước nên năng suất và chất lượng hoa giảm. Anh Nguyễn Văn Mạnh, hộ trồng hoa ly ở xã Hạ Mỗ, Đan Phượng cho biết: "Một củ giống hoa ly có giá từ 17 đến 20 nghìn đồng. 1ha hoa ly chi phí cho giống khoảng 2,7 tỷ đồng. Do vậy, cứ đến vụ là chúng tôi phải vét sạch tiền để mua giống. Trong khi đó, rủi ro trong sản xuất rất lớn. Dịp tết Nguyên đán 2016, thời tiết nóng bất thường nên hoa ly nở sớm, giá chỉ bằng 1/3 so với dịp Tết trước khiến người trồng hoa lỗ nặng".

Giống rau cũng trong tình trạng tương tự. Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho biết: Cả nước hiện có 880.000ha rau, tính toán sơ bộ mỗi năm phải chi hàng trăm triệu USD mua giống rau các loại. Hà Nội là một điển hình về lượng giống rau nhập khẩu. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa nói với chúng tôi: Hà Nội có 13.000ha rau với trên 40 chủng loại. Mỗi năm, thành phố sử dụng khoảng 23-26 tấn hạt giống rau các loại. Trong đó, các doanh nghiệp trên địa bàn mới sản xuất được khoảng 10 tấn. Số còn lại phải nhập khẩu và người dân tự để giống một số chủng loại rau như cải xanh, bí, bầu, mướp, dưa lê… Tuy vậy, do sản xuất theo kinh nghiệm, chỉ quan tâm đến năng suất nên chất luợng hạt giống không cao, lẫn tạp, thoái hóa như cải bẹ Đông Dư, cải củ Tứ Liên.

Thiếu chế tài quản lý

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, rau và hoa thuộc nhóm giống mà Bộ NN&PTNT chưa quản lý nên chất lượng giống không được kiểm soát. Người nông dân có khi dành dụm cả cơ nghiệp cho giống nhưng cũng chỉ biết đặt niềm tin vào doanh nghiệp cung ứng. Đối với các giống lúa, đậu tương, doanh nghiệp cung ứng giống phải báo cáo với Sở NN&PTNT và được Sở đánh giá hợp quy mới được cung ứng. Riêng giống rau và hoa, doanh nghiệp có thể bán trực tiếp cho người dân hoặc qua các đại lý, cơ quan quản lý nhà nước chưa tham gia vào khâu kiểm soát.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết: Về giống lúa, đậu tương, huyện còn nắm được nguồn gốc và giám sát được chất lượng giống, còn cây hoa và cây rau, hầu hết giống được người dân mua bán tự do. Tương tự, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Hoàng Thị Tuyết cho biết thêm: Huyện đang rất lúng túng trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng bởi thành phố chưa có bất kỳ một quy chuẩn pháp lý nào về quản lý kinh doanh giống cây trồng. Chính vì vậy, nhiều người dân đã mua phải giống chất lượng kém gây thiệt hại cho sản xuất. Tại huyện Mê Linh, cách đây ít năm đã xảy ra chuyện "hành không củ". Hành tây Mê Linh vốn nổi tiếng cả nước, không chỉ cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Mấy chục năm trồng hành, chưa khi nào người dân Mê Linh lại gặp phải cảnh hành ra hoa mà không có củ như năm 2011. Khoảng 50 hộ dân Mê Linh sử dụng giống hành củ được thương lái cung cấp đều không ra củ, nông dân thất thu lớn và không truy được trách nhiệm của đơn vị cung ứng giống vì mua trôi nổi trên thị trường.

Theo Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Thị Thoa, hiện nay, Bộ NN&PTNT mới quản lý 5 loại giống gồm cây ăn quả, lúa, ngô, đậu tương và khoai tây còn giống rau và giống hoa chưa quản lý. Muốn giảm thiểu rủi ro cho người nông dân và giúp họ sản xuất hiệu quả, Nhà nước phải quản lý được giống. Tuy nhiên, hiện nay do chưa quản lý nên các doanh nghiệp bán giống cho người dân ra sao chính quyền không nắm được nên chất lượng giống trôi nổi. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ NN&PTNT sửa lại Pháp lệnh Giống cây trồng theo hướng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và sớm có quy định về công tác quản lý nhà nước đối với nhóm giống rau, hoa nhưng vẫn chưa được quan tâm" - bà Nguyễn Thị Thoa cho biết.

Nguyễn Mai - Đào Huyền