Hình thành công nghiệp hạt giống

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 16/05/2016

(HNM) - Có đến 90% giống rau quả phải nhập khẩu từ nước ngoài và không chỉ rau, nhiều giống lúa lai, ngô lai đang được gieo trồng trong nước cũng phải nhập khẩu. Một thống kê cho biết số tiền Việt Nam phải bỏ ra cho việc nhập khẩu giống lên đến vài tỷ USD mỗi năm. Một quốc gia được xếp hạng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo mà phải nhập số lượng giống lúa quá lớn như vậy quả là vấn đề.


Những câu chuyện liên quan đến nhập khẩu giống cây trồng đã được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn là vấn đề khó. Vì sao như vậy? "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", nhắc lời người xưa để thấy tầm quan trọng. Thực tế, Nhà nước đã rất chú trọng đầu tư cho khoa học nông nghiệp nói chung, giống cây trồng nói riêng, nhưng công bằng mà nói, trình độ nghiên cứu của chúng ta chưa thể so với một số quốc gia trong khu vực có nền nông nghiệp phát triển, khoan nói đến thế giới. Do vậy, sở hữu được gen đã là cả vấn đề, chưa nói đến giống. Thêm nữa, chi phí nghiên cứu quá cao nên giá thành sản phẩm cao hơn so với giống nhập khẩu. Chưa kể chuyện tiền ngân sách đầu tư theo phong trào, lấy thành tích nên sản phẩm nghiên cứu không áp dụng được trong thực tế…

Một vấn đề khác, nhiều năm qua dù Nhà nước đầu tư không ít cho việc nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn giống, nhưng tập trung quá nhiều vào cây lương thực, nhiều loại cây trồng khác có giá trị cao chưa được quan tâm. Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng mất cân đối mà còn tạo ra nhiều hệ lụy khác. Chuyện Việt Nam phải chi tới 500 triệu USD để nhập khẩu 8.000 tấn hạt giống các loại cung ứng cho 700.000ha sản xuất rau mỗi năm là một ví dụ. Mặt khác, dù bí đỏ, bí xanh, ớt ngọt... của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các giống nhập khẩu, nhưng để những hạt giống có chất lượng đến với nông dân cũng là vấn đề... nhất là khi công nghệ sản xuất hạt giống còn nhiều hạn chế.

Để có thể chủ động giống cây trồng, giảm sự phụ thuộc vào việc phải nhập khẩu quá nhiều loại giống thì vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là ngành nông nghiệp phải rà soát và thống kê toàn bộ các loại giống cây trồng, phân chia loại nào cần nhập, loại nào có thể đầu tư nghiên cứu chuyên sâu. Để bảo đảm chất lượng hạt giống, cần có sự đầu tư đồng bộ với nguồn vốn lớn, do vậy, Nhà nước cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài tham gia sản xuất giống ở Việt Nam.

Thực tế hiện nay, các công ty, viện nghiên cứu nhà nước không đủ tiềm lực cung cấp giống cho nông dân. Do vậy, phải phát huy tốt cả hai hệ thống sản xuất giống là các công ty, viện nghiên cứu nhà nước và cộng đồng. Nhà nước đóng vai trò then chốt, đưa ra chính sách khuyến khích các nhà khoa học, động viên nông dân, doanh nghiệp cùng chung tay sản xuất giống. Doanh nghiệp là động lực, giải quyết vấn đề vốn, cơ sở vật chất... từ đó hình thành công nghiệp hạt giống.

Công nghiệp hạt giống phát triển, chủng loại cũng như chất lượng hạt giống cây trồng tại Việt Nam sẽ dần được cải thiện.

Thế Phương