Thách thức sau “đảo chính”

Thế giới - Ngày đăng : 07:41, 15/05/2016

(HNM) - Brazil đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị. Với 55 phiếu thuận, Thượng viện nước này đã bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff. Sự kiện này đồng nghĩa với việc Tổng thống D.Rousseff lập tức bị đình chỉ chức vụ trong 6 tháng.

Ông M.Temer trở thành Tổng thống lâm thời Brazil, sau khi bà D.Rousseff bị đình chỉ chức vụ.


Chỉ vài giờ sau quyết định của Thượng viện, Chính phủ Brazil đã bị giải tán; Phó Tổng thống M.Temer đã ngay lập tức nhậm chức và thành lập nội các mới. Tuyên bố sau khi trở thành Tổng thống lâm thời Brazil, ông M.Temer kêu gọi người dân Brazil tin tưởng vào tiềm năng phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh Brazil đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 80 năm qua. Trong khi đó, Tổng thống bị phế truất D.Rousseff cáo buộc cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện là một cú "đảo chính", đi ngược lại ý chí của cử tri Brazil. Phát biểu trước đám đông ủng hộ bên ngoài Dinh Tổng thống, bà D.Rousseff tuyên bố đây là một tấn bi kịch cho nền dân chủ non trẻ của Brazil... Nội các mới sẽ đứng trước những thách thức không nhỏ. Và, những gì đang diễn ra tại đất nước của vũ điệu Samba được cho là còn sẽ ảnh hưởng đến "kiến trúc thượng tầng" của các nước trong khu vực vốn đang điêu đứng trước khó khăn về kinh tế.

Trong nỗ lực ổn định đất nước, Tổng thống lâm thời M.Temer đã bổ nhiệm cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương giai đoạn 2003-2010, Henrique Meirelles, làm Bộ trưởng Kinh tế; đồng thời dự định giảm số thành viên nội các xuống còn 22 so với 27 bộ trưởng hiện nay. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Tổng thống lâm thời sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức. Đầu tiên là sự ủng hộ của người dân. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, trong khi tỷ lệ ủng hộ bà D.Rousseff giảm xuống dưới 10% thì ông Temer cũng chỉ nhận được 1-2% số phiếu ủng hộ trong các cuộc bầu cử Tổng thống.

Vì vậy, ông M.Temer sẽ không dễ dàng hàn gắn những rạn nứt của hệ thống chính trị Brazil hiện nay. 13 năm dưới sự cầm quyền của nữ Tổng thống D.Rousseff và người tiền nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva, các chương trình xã hội đã giúp hàng chục nghìn người Brazil thoát khỏi đói nghèo. Đó chính là sức ép thứ hai mà nội các của ông M.Temer phải đối mặt. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, trong tuyên bố đầu tiên sau khi ngồi vào vị trí mới, ông M.Temer đã lên tiếng trấn an rằng bên cạnh tập trung vào phục hồi nền kinh tế, Brazil sẽ duy trì các chương trình xã hội phổ biến.

Thách thức tiếp theo đó là về kinh tế. Năm 2015, kinh tế Brazil suy giảm 3,8%, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% GDP... Theo tân Bộ trưởng kinh tế H.Meirelles, thâm hụt ngân sách của Brazil trong năm nay có thể vượt qua 28 tỷ USD. Để giải quyết những vấn đề này, ông M.Temer đề xuất "một cây cầu tới tương lai" gồm cắt giảm chi tiêu và cải cách thị trường tự do. Thế nhưng, để thực hiện các cải cách thông qua một hệ thống chính trị đang bị "phân mảnh" mạnh là một nhiệm vụ rất khó khăn. Đó là chưa kể đến một số nhân vật cấp cao trong đảng Phong trào dân chủ (PMDB) của ông M.Temer cũng đang "dính" cáo buộc tham nhũng được nhìn nhận sẽ tác động lớn đến các quyết sách của chính quyền Tổng thống Temer.

Vượt ra ngoài biên giới của Brazil, nhiều nhà phân tích lo ngại cú "ngã ngựa" của bà D.Rousseff có thể gây "hiệu ứng domino" trên khắp Mỹ Latin. Brazil từng được xem như một cường quốc kinh tế mới nổi, là mô hình nhà nước cánh tả mới, phù hợp với việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, các chương trình phúc lợi xã hội quy mô để giảm nghèo và nuôi dưỡng tầng lớp trung lưu mới... Còn quá sớm để đưa ra nhận định tổng thể về những tác động do sự ra đi của bà D.Rousseff. Nhưng, cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil đã vừa đủ để thấy sự thay đổi chính trị đang trở thành tiêu điểm ở Mỹ Latin. Và, những đổi thay, nếu có như đang thấy ở Brazil, xuất phát những chính sách được áp dụng đã không đủ mới để thoát khỏi những mô hình cũ từng tồn tại trong khu vực. 

Quang Huy