Quy hoạch khai thác Sông Hồng: Để có ứng xử phù hợp
Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 15/05/2016
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam. |
Điều đó cho thấy thái độ trân trọng trước những giá trị vô cùng to lớn của Sông Hồng, đòi hỏi phải có cách ứng xử phù hợp, thống nhất. Để làm rõ hơn vấn đề, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.
Khi có sự tác động thì những biến đổi cũng rất ghê gớm
- Sông Hồng có vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với Bắc Bộ. Theo ông, đâu là giá trị lớn nhất của Sông Hồng?
- Sông Hồng là con sông có lưu vực rất lớn. Đoạn Việt Nam dài khoảng 510km, qua 9 tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt hơn khi Sông Hồng kết nối với các sông khác thành một hệ thống. Bên tả ngạn là Sông Lô, với 2 dòng chảy chính là Sông Chảy, Sông Gâm. Bên hữu ngạn là Sông Đà, nối vào Sông Hồng ở ngã ba Việt Trì. Từ hàng nghìn đời nay, Sông Hồng nuôi dưỡng toàn bộ khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, chở lượng phù sa rất lớn bồi đắp xóm làng, ruộng đồng hai bên, làm nên văn minh lúa nước Sông Hồng. Cũng bao đời nay, Sông Hồng là nguồn nước chính cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, cho sinh hoạt của nhân dân và sau này cho cả sản xuất công nghiệp. Giá trị rất lớn nữa của sông là khai thác thủy điện, làm nhiệm vụ điều hòa khí hậu, điều tiết thoát nước; cung cấp sản lượng thủy sản nước ngọt dồi dào. Nhờ sự kết nối với nhiều con sông khác thành hệ thống, Sông Hồng là tuyến giao thông thủy quan trọng vận chuyển hàng hóa, giao thương buôn bán… Sông Hồng mang nhiều giá trị, ý nghĩa cả về kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch…
- Giá trị về mặt thủy điện thì sao, thưa ông?
- Cao nguyên nơi bắt nguồn Sông Hồng bên Trung Quốc có độ cao 1.770m, nghĩa là có độ dốc khá lớn. Sông Hồng lại kết nối với Sông Đà và Sông Lô thành một hệ thống, nên tiềm năng thủy điện của hệ thống này rất lớn, đó chính là giá trị về kinh tế. Như đã biết, ngày 6 tháng 11 năm 1979, chúng ta xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà, do Liên Xô giúp ta xây dựng; đây là bậc thang thứ 3 trên Sông Đà và là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Hiện nay, trên Sông Đà đã có thêm thủy điện Sơn La, Lai Châu. Khi hòa bình lập lại, chúng ta có Nhà máy Thủy điện Thác Bà trên Sông Chảy, cũng là một nhánh trong hệ thống Sông Hồng. Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang trên Sông Gâm cũng là một nhánh trên Sông Lô.
Tuy nhiên, trong khai thác thủy điện phải hết sức lưu ý đến biến đổi khí hậu và những tác động đến môi trường, xã hội, vì thủy điện tạo nên những hồ chứa rất lớn hàng tỷ mét khối nước, làm thay đổi dòng chảy, địa chất từng vùng, mất diện tích rừng, phải di chuyển các hộ dân vùng lòng hồ… Có điện năng, ngăn lũ, trị thủy thì mất phù sa bồi đắp cho đồng bằng. Lợi ích của sông rất lớn nhưng khi có sự tác động thì những biến đổi cũng rất ghê gớm. Tôi xin nêu một ví dụ, khi nghiên cứu thủy điện Sơn La, nếu làm công suất phát điện lớn tác động môi trường, xã hội cũng rất lớn: Diện tích bị ngập nhiều hơn, khối lượng hộ dân di dời nhiều hơn… Không thuận về mặt xã hội nên cuối cùng chọn phương án hạ công suất phát điện để giảm thiểu ảnh hưởng. Vì vậy, sau đó có thêm phương án thủy điện Lai Châu. Khi chọn phương án như vậy thì ảnh hưởng đỡ hơn nhiều.
“Tài sản riêng” của mỗi địa phương
- Sông Hồng chảy qua nhiều địa phương, mỗi địa phương có cách khai thác khác nhau. Theo ông nên ứng xử thế nào với Sông Hồng để đạt được giá trị cao nhất?
- Các địa phương đều có cách ứng xử với Sông Hồng khác nhau vì khi chảy qua, Sông Hồng trở thành “tài sản riêng” của địa phương. Khu vực đồng bằng chủ yếu phát triển giao thông, nông nghiệp. Khu vực miền núi chủ yếu là giao thông phục vụ khai thác khoáng sản, tài nguyên. Mỗi địa phương có cách khai thác khác nhau theo vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của mình.
Riêng Hà Nội, Sông Hồng là trục bố cục không gian quan trọng, là di sản thiên nhiên, gắn bó với 1000 năm Thăng Long lịch sử, trong đó có văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài. Nó là tài sản thiên nhiên vô giá, gắn kết đô thị hai bên bờ sông. Từ những năm 1990 trở về trước, Sông Hồng mới khai thác một bên, nói cách khác chúng ta “quay lưng” với sông, còn bây giờ chúng ta khai thác cả hai bên, coi sông là mặt tiền của thành phố.
- Đã có nhiều đề xuất, dự án khai thác giá trị của Sông Hồng, chẳng hạn Hàn Quốc đã từng nghiên cứu quy hoạch khai thác hai bên Sông Hồng đoạn qua Hà Nội... Ông đánh giá thế nào về dự án này?
- Dự án của Hàn Quốc nghiên cứu khai thác hai bên Sông Hồng đoạn qua Hà Nội là dự án hợp tác giữa Hà Nội và Seoul. Năm 2006 có triển lãm đồ án quy hoạch rất lớn. Tuy nhiên, theo cảm nhận của giới quy hoạch, đồ án này khai thác quá triệt để không gian Sông Hồng. Ít có con sông nào lại khai thác như thế. Sông Hương ở Huế, Sông Hàn ở Đà Nẵng thơ mộng là thế. Sông là để ngắm nhìn, để làm đẹp, làm cảnh quan, cải tạo vi khí hậu, làm công viên. Còn dự án này thì quá nhiều nhà cao tầng, tương lai mất đi giá trị cảnh quan con sông. Lâu dài mà nói đó không phải là đô thị “xanh”, đô thị sinh thái. Sau đó, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính nên dự án đã dừng lại. Phải nói thêm, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có đủ diện tích để phát triển, đặt ra câu hỏi, liệu đồ án quy hoạch hai bên Sông Hồng mà Hàn Quốc giúp nghiên cứu có còn phù hợp? Theo tôi có thể chấp nhận nó khi Hà Nội diện tích chật chội. Khi chúng ta đã đủ đất phát triển không gian đô thị, không ai lại xây dựng với mật độ dày, bê tông hóa dòng sông như vậy.
- Khi nghiên cứu Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (được phê duyệt năm 2011), chúng ta có cập nhật nội dung quy hoạch hai bên Sông Hồng phía Hàn Quốc làm không, thưa ông?
- Đương nhiên là có chứ. Những gì tốt, hay của dự án này thì mình cần phải tiếp nhận. Trước nữa, còn có dự án Haidep của Nhật Bản nghiên cứu. Họ nghiên cứu rất bài bản về quy hoạch không gian đô thị và hạ tầng cho Hà Nội, xác lập hình thái đô thị, bộ khung giao thông đô thị, trong đó có các tuyến metro... Quy hoạch chung đã cập nhật những ý tưởng tốt của dự án Haidep như trục Hồ Tây - Cổ Loa, với ý tưởng bảo tồn Cổ Loa mà Haidep đã nghiên cứu.
- Sông Hồng có giá trị cảnh quan rất lớn, tuy nhiên, khu vực ngoài đê chưa được khai thác hết, vẫn còn tình trạng thành phố “quay lưng” với sông, thưa ông?
- Sông Hồng là trục bố cục cảnh quan, trở thành không gian quan trọng trong bố cục của quy hoạch Hà Nội. Bởi vậy phải có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, cũng như thiết kế đô thị hai bên bờ sông, đặc biệt là đoạn từ cầu Tứ Liên đến cầu Vĩnh Tuy. Cái quan trọng là tạo nên không gian cảnh quan, không gian xanh, có đường dạo, có tầm nhìn. Trước đây cần phân lũ, chúng ta dành đất làm hành lang thoát lũ. Còn bây giờ, khi đã có 3 nhà máy thủy điện lớn, quỹ đất bãi rộng lớn hai bên sông cần phải được khai thác; do vậy cần nghiên cứu việc nạo vét, cải tạo dòng chảy, để con sông thực sự là trục cảnh quan của Hà Nội. Các đô thị trên thế giới, khi có sông chảy qua đều có quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan rất đẹp. Hà Nội cần mạnh mẽ hơn với ý tưởng quy hoạch, khai thác Sông Hồng. Xin nói thêm, đoạn qua Hà Nội, quy hoạch có 14 cầu, giờ đã có 6 cầu nhưng chỉ có Long Biên, Nhật Tân là có kiến trúc đẹp. Những cầu khác chỉ có giá trị giao thông, chưa phải cầu có kiến trúc trong đô thị. Mong rằng khi đầu tư sau này, mỗi cây cầu sẽ là một công trình kiến trúc đặc biệt đóng góp cho cảnh quan.
Quy hoạch phải mang tính tổng thể
- Xin ông cho biết, trong Quy hoạch vùng Thủ đô, Sông Hồng được xác định giữ vai trò, vị trí, ý nghĩa như thế nào?
- Cũng như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch vùng Thủ đô coi Sông Hồng là một chủ thể về không gian trong tổ chức bố cục quy hoạch. Với quy hoạch đô thị, trước hết phải xác định bộ khung là hệ thống giao thông, trong đó có hệ thống sông. Trục bố cục đó tạo nên không gian và hệ thống đô thị liên quan. Sông Hồng, trên hết phải giữ vai trò về kinh tế và cảnh quan, tạo nên không gian xanh mặt nước cho người dân thành phố, đồng thời tạo cảm xúc cho người làm thiết kế đô thị. Trong toàn bộ vùng Thủ đô, Sông Hồng có ý nghĩa quan trọng, là “mạch máu” của vùng; là nguồn nước cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh.
- Hà Nội đang lập các dự án phân khu đô thị hai bên Sông Hồng, theo ông những đồ án này cần tập trung giải quyết vấn đề gì?
- Quy hoạch phân khu nằm trong quy hoạch chung nên trước hết phải tuân thủ định hướng của quy hoạch chung. Các đồ án quy hoạch phân khu hai bên Sông Hồng phải tôn trọng, lấy Sông Hồng làm chủ thể, coi nó là “cơ thể” thống nhất không được cắt đoạn. Sông Hồng phải được khai thác với ý nghĩa cảnh quan; việc thoát nước ra Sông Hồng phải qua xử lý nghiêm ngặt; hai bên bờ phải được nghiên cứu kết nối bằng hệ thống cầu, mà mỗi cây cầu phải là một công trình kiến trúc đặc biệt.
- Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, lập quy hoạch khai thác Sông Hồng. Trước đây, chúng ta đã đặt vấn đề nghiên cứu quy hoạch này chưa? Theo ông, đồ án quy hoạch này nên nghiên cứu theo hướng nào?
- Mỗi ngành đều có nghiên cứu về Sông Hồng. Bộ GT-VT nghiên cứu về giao thông thủy và giao thông đường bộ kết nối với Sông Hồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu dòng chảy, thoát lũ, trị thủy…; ngành điện nghiên cứu về thủy điện trên hệ thống sông… Còn Quy hoạch tổ chức không gian hai bên Sông Hồng từ biên giới ra đến Cửa Ba Lạt thì chưa có. Theo tôi hiểu, quy hoạch mà Thủ tướng yêu cầu là việc tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị của Sông Hồng, kết hợp với xây dựng đô thị - nông thôn và các khu chức năng khác ở hai bên sông, chứ không phải quy hoạch chuyên ngành. Chẳng hạn, quy hoạch cần định hướng từ Lào Cai đến Yên Bái, Việt Trì đến Hà Nội và từ Hà Nội đến cửa biển… phát triển theo kịch bản như thế nào, để khai thác hiệu quả giá trị dòng sông, với việc xây dựng các đô thị, nông thôn, các khu du lịch, nghỉ mát, các vùng chuyên canh lớn…
Quy hoạch phải bảo đảm giá trị kinh tế, giá trị lịch sử, nhân văn. Đây là không gian kết nối từ vùng núi, trung du đến đồng bằng; kết nối đô thị vùng núi, đô thị Thủ đô đến đô thị ven biển. Và phải là dòng chảy lịch sử từ nơi bắt nguồn đến cửa sông đổ ra biển. Quy hoạch này cần đưa ra ý tưởng bao trùm, mang tính tổng thể, tổng hợp các quy hoạch riêng từng ngành, để tôn tạo giá trị, khai thác hiệu quả Sông Hồng trong lâu dài. Quy hoạch này cần nhiều ngành tham gia, cơ quan chủ trì có thể là Bộ Xây dựng. Nên có mục tiêu định hướng chung mới không lãng phí tiền bạc trong quá trình nghiên cứu, lãng phí tiềm năng của Sông Hồng. Hiện nay những vấn đề liên quan đến môi trường đang nổi cộm. Việt Nam là quốc gia biển - đảo, cần phải bảo tồn, phát huy giá trị của những con sông và việc quy hoạch nó đang trở thành vấn đề hết sức quan trọng, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, mà sông, biển chịu tác động lớn nhất.
- Những năm gần đây, sau khi có một số dự án thủy điện trên Sông Đà, gần như không còn mùa lũ. Vậy có nên khai thác khu vực bãi giữa Sông Hồng? Nếu có, nên khai thác vào mục đích gì?
- Sông Hồng, theo tôi nghĩ, từ ngày có các công trình thủy điện, không còn phải phân lũ. Bãi giữa Sông Hồng trở thành khu đất không được khai thác, để hoang hóa và đã đến lúc cần nghiên cứu khai thác nó như thế nào. Theo tôi tuyệt đối không xây nhà cao tầng, nên tổ chức thành công viên vui chơi giải trí cho nhân dân Thủ đô. Ở đây, việc xây dựng công viên với cây xanh là chính, cùng một số công trình đủ để phục vụ việc vui chơi giải trí, nghỉ ngơi. Hiện Hà Nội quá thiếu chỗ vui chơi mà bãi giữa Sông Hồng là nơi có nhiều tiềm năng; nên nghiên cứu, đưa vào quy hoạch bãi giữa Sông Hồng thành công viên giải trí hiện đại cho người dân Thủ đô.
- Xin cảm ơn ông.
Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, về việc nghiên cứu "Phương án hướng tuyến, các mục tiêu yêu cầu của quy hoạch tuyến đường dọc hai bên Sông Hồng, đoạn từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì". Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu, khi lập đồ án phải chú ý hướng tuyến đầu tư tuyến đường để thu hút các nhà đầu tư quan tâm, hỗ trợ và sẵn sàng tạo nguồn lực tài chính thực hiện theo quy hoạch. Tạo điều kiện chỉnh trang, cải tạo, xây dựng mới khu dân cư hiện có khu vực ven đê; đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện hạ tầng xã hội (trường học, y tế, xử lý môi trường…) nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Có giải pháp quản lý, chống lấn chiếm đất khu vực tuyến đê hai bên sông, bảo vệ hành lang thoát lũ, tránh xói lở. Tạo quỹ đất thu hút nhà đầu tư, tạo nguồn lực cho thành phố phát triển cơ sở hạ tầng. Xây dựng khu đô thị hai bên sông, cận đô thị lõi hiện tại, tạo vị thế phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Bảo đảm kết nối đồng bộ và phân bổ giao thông giữa các đường trục kết nối các đô thị khu vực đầu cầu với các cầu qua Sông Hồng, giảm ùn tắc giao thông, từng bước hoàn thiện quy hoạch đô thị bên sông. Kết hợp thiết kế tuyến đường với quy hoạch phát triển đô thị bên sông; nghiên cứu xây dựng tuyến đê mới gắn với đường giao thông, bảo đảm an toàn, bền vững, thẩm mỹ, nâng cao công năng sử dụng. Nghiên cứu phát triển đô thị sinh thái bên sông, với mật độ đã được Thủ tướng Chính phủ quy định. Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái tại các bãi nổi, du lịch bên sông và quảng bá du lịch Sông Hồng. Trong quá trình nghiên cứu, tổng hợp các số liệu thủy lợi, khí tượng thủy văn, lưu lượng dòng chảy… từ đó dự báo bảo đảm công tác thủy lợi, đê điều, hành lang thoát lũ. |