Quan tâm tính đặc thù, gìn giữ nét riêng
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:17, 15/05/2016
Có thể nhận ra hai ý quan trọng trong phát biểu chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội. Thứ nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc trên địa bàn Hà Nội. Thứ hai, về sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô về mọi mặt, liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, cần có chính sách và giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, tại Hà Nội, bàn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ít người thì không thể tách rời những yếu tố mang tính đặc trưng - về dân số, địa bàn cư trú, điều kiện kinh tế - xã hội, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan… Việc xác định rõ những yếu tố mang tính đặc thù cho phép cơ quan quản lý đề ra chính sách, giải pháp phù hợp, khả thi nhằm hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về công tác dân tộc, chính sách đối với đồng bào dân tộc ít người nói chung cũng như bảo tồn di sản văn hóa nói riêng.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa và thành quả thu được trong thời gian qua cho thấy tính đúng đắn của định hướng chung, quan điểm chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn. Hà Nội có khoảng 68 nghìn người dân tộc thiểu số, cư trú tại tất cả quận, huyện, thị xã nhưng đa số (khoảng hơn 50.000 người) sống tập trung thành làng, bản tại một số xã thuộc huyện Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ... Trong điều kiện đó, chủ trương lồng ghép nội dung giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", với các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới không chỉ giúp đồng bào các dân tộc cải thiện điều kiện sống, mà còn có cơ hội giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Như một số xã miền núi tại Ba Vì, từ chỗ vắng bóng hoạt động cồng chiêng, đến nay, sau khi huyện triển khai thực hiện đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020" và áp nội dung chuyên biệt vào đời sống văn hóa cộng đồng, cả 7 xã miền núi đã có đội cồng, mở ra cơ hội phục hồi trang phục dân tộc, nghề truyền thống, trò chơi dân gian của đồng bào Mường, Dao… trong tương lai.
Dù đã đạt được thành công nhất định nhưng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ít người trong giai đoạn hiện nay đang phải đối diện với khó khăn do quá trình hội nhập sâu rộng, mặt trái kinh tế thị trường mang lại. Thực tế đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa không xa rời nhiệm vụ "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" mà Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) đã đề ra, triển khai thực hiện định hướng của Thành ủy, kế hoạch của UBND TP Hà Nội một cách sáng tạo. Trong quá trình đó, cần ưu tiên một số phần việc quan trọng như: Kiểm kê kho tàng di sản văn hóa, xác định mục tiêu ưu tiên bảo tồn là những di sản đang đối diện nguy cơ thất truyền, đề ra giải pháp thiết thực nhằm khuyến khích nghệ nhân trao truyền di sản; tiếp tục lồng ghép nội dung bảo tồn trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, kêu gọi sự vào cuộc của cộng đồng…