Kiểm nghiệm hoạt động kiểm nghiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:21, 14/05/2016

(HNM) - Do đặc thù ứng dụng công nghệ và khoa học - kỹ thuật còn ở mức thấp, câu nói của người xưa, nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, vẫn còn nguyên giá trị với sản xuất nông nghiệp hiện nay.


Tuy nhiên, trong khi hàng trăm nghìn nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ chưa hết lao đao vì hạn hán khắc nghiệt chưa từng có, xâm nhập mặn hoành hành... thì lại hứng thêm “cú sốc” mới, đấy là: Hàng trăm sản phẩm phân bón đang có mặt trên thị trường - chắc chắn hầu như đã được người nông dân sử dụng - đã được những trung tâm kiểm nghiệm, giám định không có chức năng, không đủ điều kiện chứng nhận hoặc thực hiện một cách cẩu thả, bừa bãi, kiểm nghiệm, cấp giấy chứng nhận “ra” thị trường.

Trước đó, trong suốt một thời gian dài, người nông dân phải đau đầu với tình trạng giá phân bón - đầu vào sản xuất - quá cao và đặc biệt là tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng (những nguy cơ đối với chất lượng, năng suất cây trồng đã rõ). Nếu như tình trạng hỗn loạn của thị trường phân bón có những nguyên nhân khách quan như không ít doanh nghiệp làm ăn chụp giật, hàng lậu, hàng giả, đại lý tham lợi... thì “cú sốc” trên cho thấy nguyên nhân chủ quan nằm ở chính ngành Nông nghiệp...

“Cú sốc” này khiến dư luận không thể không đặt ra hàng loạt nghi vấn: Tại sao những trung tâm không hề có chức năng hoặc đủ điều kiện kiểm nghiệm chất lượng phân bón lại được giao thực hiện hoạt động này? Đến thời điểm này, có bao nhiêu sản phẩm phân bón không đủ chất lượng nhưng đang lưu hành trên thị trường, đã được đưa vào sản xuất nhờ những trung tâm không có chức năng, không đủ điều kiện “đóng dấu”? Cái “bắt tay” giữa cơ quan cấp phép hoạt động kiểm nghiệm với các trung tâm kiểm nghiệm “chặt” đến cỡ nào?... Vi phạm của những đơn vị này cũng như sai phạm của cơ quan cấp phép đã được đề cập trong kết luận thanh tra và mức độ như thế nào sẽ tiếp tục được làm rõ. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, phải có giải pháp để ngăn chặn những “cú sốc” như thế này có thể xảy ra, để người nông dân vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, vất vả không phải thiệt thòi thêm, để họ có thể yên tâm sản xuất?

Trước hết, cần có một đợt thanh tra, kiểm tra toàn diện thị trường phân bón hiện nay, trong đó những sản phẩm không đạt chất lượng cần được công khai để người dân biết. Thứ hai, phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng phân bón theo hướng siết chặt điều kiện để cấp giấy phép hoạt động. Chỉ những đơn vị nào có chức năng kiểm nghiệm, đầy đủ điều kiện mới được cấp phép. Song song với quá trình này, cần tiến hành kiểm nghiệm... chính hoạt động kiểm nghiệm của các đơn vị, trung tâm đã được cấp phép nhằm ngăn chặn sự dễ dãi, việc “nộp tiền” lấy giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm đã và đang diễn ra. Thực tế, vi phạm có thể xảy ra ở ngay cả những đơn vị đủ điều kiện thực hiện hoạt động kiểm nghiệm chất lượng phân bón. Thứ ba, dư luận đang rất mong chờ chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những đơn vị và cơ quan có trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong “cú sốc” đề cập ở trên. Chỉ có xử lý nghiêm sai phạm thì mới mong ngăn chặn được sai phạm khác trong tương lai.

Yếu tố quan trọng thứ nhất đối với hoạt động sản xuất của người nông dân nước ta - nước - thời gian qua là nỗi lo lớn với những hậu quả tiêu cực do “thiên tai” (một hình thái tiêu cực của biến đổi khí hậu) thì yếu tố quan trọng thứ hai - phân bón - giờ cũng trở nên nóng hổi bởi “nhân họa”. Không có gì phải bàn cãi thêm nữa: Phải sớm kiểm nghiệm triệt để, toàn diện hoạt động của các trung tâm kiểm nghiệm, giám định chất lượng phân bón và kiểm nghiệm ngay... cơ quan đã cấp phép cho những trung tâm không đủ điều kiện hoạt động, bao gồm cả trách nhiệm của người có thẩm quyền.

Trung Hưng