Bài cuối: Chất lượng từ những lá phiếu

Chính trị - Ngày đăng : 07:37, 14/05/2016

(HNM) - Hà Nội cùng với cả nước đang vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho “ngày hội non sông”. Việc thực hiện tốt khâu tổ chức sẽ giúp cử tri hiểu và lựa chọn những gương mặt thực sự tiêu biểu. Chất lượng từ mỗi lá phiếu là điều kiện quan trọng để tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Người dân phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) nghiên cứu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Bá Hoạt


Mở rộng dân chủ

Không phải ngẫu nhiên, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trước bộn bề khó khăn, vất vả và gian nguy, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức tổng tuyển cử lần đầu tiên trên cả nước. Thông qua cuộc tổng tuyển cử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ dân chủ cộng hòa.

Thời điểm tổng tuyển cử, Nhà nước non trẻ gặp muôn vàn khó khăn. Nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu làm hàng triệu đồng bào chết. Các thế lực thù địch ra sức chống phá. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6-1-1946. Mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo… đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử. Kết quả, cử tri cả nước đã bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với tỷ lệ 98,4% số phiếu bầu, một bằng chứng hùng hồn về uy tín tuyệt đối của Người trong các tầng lớp nhân dân.

Từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, cử tri nước ta đã đi bầu đến khóa Quốc hội thứ XIII. Mỗi lần bầu cử, Nhà nước pháp quyền của chúng ta càng có bước phát triển, hoàn thiện. Công tác giám sát bầu cử, tuyên truyền để người dân phát huy quyền và nghĩa vụ công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương ngày càng được chú trọng.

Minh chứng rõ nhất là Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 đã đề cao vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp - tổ chức đại diện khối đại đoàn kết toàn dân trong việc huy động đại diện các tầng lớp nhân dân, cử tri tham gia vào các bước trong quá trình bầu cử. Thời gian qua, thực hiện luật, Ủy ban MTTQ từ trung ương đến địa phương đã tiếp nhận hồ sơ của người ứng cử, tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp; tiến hành các bước hiệp thương lựa chọn người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; tiếp xúc cử tri để người tham gia ứng cử vận động bầu cử; giám sát hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử...

Bên cạnh đó, theo Luật sư Cao Minh Vượng - Đoàn luật sư Hà Nội, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 mở rộng đối tượng cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được bầu ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thấy rõ quyền và trách nhiệm

Chỉ chưa mười ngày nữa là đến ngày bầu cử. Để cử tri hiểu rõ hơn quyền bầu cử của mình, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá, Hà Nội là một trong các địa phương đi đầu về công tác tuyên truyền về bầu cử bằng hình thức sân khấu hóa nhằm giúp cử tri trên địa bàn thành phố nâng cao hiểu biết các quy định của pháp luật về bầu cử. Không chỉ vậy, nhiều hình thức tuyên truyền đã và đang được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ như tuyên truyền miệng qua các buổi tọa đàm, sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng; tuyên truyền trực quan; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Thông qua bầu cử, người dân không chỉ lựa chọn người quản trị quốc gia, mà còn ý thức thực hiện quyền giám sát. Những ứng viên đã được cử tri tín nhiệm bầu khóa trước nhưng không thực hiện đúng lời hứa sẽ không được tiếp tục ủng hộ, tín nhiệm.

Chặng đường tiếp theo của cuộc bầu cử đòi hỏi cơ quan phụ trách bầu cử các cấp và cả hệ thống chính trị cùng tuyên truyền, hướng dẫn cử tri nghiên cứu, tìm hiểu rõ từng ứng viên, chọn ra những gương mặt có tài, có đức, bỏ phiếu đúng luật. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, khi bầu cử, quan trọng nhất là cử tri phải tìm hiểu kỹ, từ đó sáng suốt bầu những gương mặt tiêu biểu. Về phía mình, các ứng cử viên phải tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân qua nhiều kênh thông tin, dưới nhiều hình thức, dành nhiều thời gian đi thực tế để nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Trong chương trình vận động bầu cử phải cụ thể hóa vào nhiệm vụ cụ thể của mình và xác định rõ trách nhiệm của cá nhân nếu trúng cử như một lời hứa với cử tri và phải đặt tất cả các lời hứa đó dưới sự giám sát nghiêm ngặt của nhân dân. Một vấn đề nữa ông Nguyễn Sỹ Dũng hết sức lưu ý là hiện tượng đi bầu thay, dù không phổ biến. Ví dụ như trong một gia đình chỉ cử một người đi bầu cử cho cả nhà. Nếu vậy, chính quyền được bầu ra không đạt yêu cầu. Bầu cử Quốc hội, các cử tri không chỉ đơn thuần cầm và bỏ lá phiếu đủ về cơ cấu, số lượng đại biểu cần bầu mà quan trọng hơn là phải biết sử dụng lá phiếu để chọn ra những người "dĩ công vi thượng" hội tụ đủ các yếu tố "tâm, tầm, tín", đại diện cho lợi ích của nhân dân trong thực hiện dân chủ quá trình "lập pháp". Mỗi lá phiếu chính xác góp phần mang ý nghĩa quyết định đến vận mệnh tương lai của đất nước.

Tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp chính là một hoạt động quan trọng để nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình. Tin tưởng rằng, mỗi người dân thấy rõ được quyền này và cũng xác định rõ trách nhiệm của bản thân đối với hoạt động bầu cử. Chúng ta cũng mong đợi người đại biểu khi đã được cử tri tin tưởng giao phó trọng trách, tiếp tục trau dồi rèn luyện kỹ năng, trình độ để nâng cao chất lượng, phát huy bản lĩnh trong quá trình hoạt động, xứng đáng là người đại diện của nhân dân. 

Hà Phong