Đã đến lúc huy động vàng trong dân, lập Sở Giao dịch vàng quốc gia
Kinh tế - Ngày đăng : 16:04, 13/05/2016
VGTA vừa gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng và những kiến nghị của Hiệp hội, trong đó có kiến nghị đáng chú ý là thành lập Tổ công tác nghiên cứu xây dựng đề án huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia.
Nhiều bất cập
Theo VGTA, sau 5 năm thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đến nay thị trường vàng đã có những thay đổi cơ bản, công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vàng của NHNN đã đạt được kết quả tích cực, góp phần ổn định thị trường vàng trong nước. Đặc biệt, mạng lưới kinh doanh vàng miếng đã được thu hẹp đáng kể, từ khoảng 12.000 đơn vị kinh doanh vàng miếng nay chỉ còn 38 đơn vị kinh doanh vàng miếng.
Khoảng 500 tấn vàng đang nằm trong dân (ảnh minh họa,nguồn: Internet) |
Tuy nhiên, do những đơn vị được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng rất hạn chế và chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, nên hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng vẫn diễn ra tràn lan, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; thậm chí ở các cửa hàng chưa được cấp phép kinh doanh vàng miếng ở các thành phố lớn hỏi mua bao nhiêu vàng miếng cũng có. Điều này đã ảnh hưởng tới việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng; còn đối với người dân thì chưa có điều kiện thuận lợi nhất khi có nhu cầu mua bán vàng miếng và chưa được đảm bảo quyền lợi chính đáng do xuất hiện vàng miếng giả; vàng trang sức không đủ chất lượng, trọng lượng trong thời gian qua. Vì vậy, việc xem xét mở rộng mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng là yêu cầu rất cấp thiết trong điều kiện hiện nay.
Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay họ đều phải đi thuê địa điểm kinh doanh vàng miếng. Do vậy, việc thay đổi địa điểm kinh doanh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, thì các doanh nghiệp phải xin phép NHNN, như vậy sẽ làm mất thời gian, chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi vậy, cần xem xét sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép các doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho NHNN khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Do từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nên các doanh nghiệp buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, vô tình đã tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vàng, tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển do những kẻ buôn lậu thu gom ngoại tệ để nhập lậu vàng, tác động tiêu cực đến công tác quản lý thị trường vàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Đáng chú ý, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu kim loại quý này không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn. Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo NHNN thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện. Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn.
Kiến nghị huy động vàng trong dân, lập Sở giao dịch vàng quốc gia
Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay.
Với những bất cập trên, VGTA đề nghị NHNN xem xét cho mở rộng mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và vẫn nằm trong tầm quản lý, kiểm soát của NHNN. Đồng thời, tổ chức này đề nghị NHNN xem xét cho phép các doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho NHNN khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
VGTA cho rằng, NHNN nên xem xét cho phép các doanh nghiệp có đủ điều kiện được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Trong thời gian trước mắt, để tránh việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tràn lan để làm vàng nhẫn hay bán nguyên liệu ra thị trường tự do, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước, NHNN chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Về vấn đề huy động vàng trong dân, VGTA kiến nghị Bộ Tài chính và NHNN cho thành lập Tổ công tác nghiên cứu xây dựng đề án huy động vàng trong dân. Tổ này bao gồm cả cán bộ quản lý Nhà nước và các chuyên gia kinh tế am hiểu và có kinh nghiệm về lĩnh vực đầu tư và kinh doanh vàng, kể cả mời các chuyên gia nước ngoài. Đồng thời, để góp phần huy động vàng có hiệu quả, NHNN cũng cần nghiên cứu để sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia.
Theo VGTA, thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. Ngoài ra, Sở giao dịch vàng quốc gia cũng góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng; loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp (sàn vàng chui); giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua việc thu thuế của các tổ chức, cá nhân giao dịch vàng; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Đặc biệt, “thông qua Sở Giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước”, Hiệp hội này lý giải.