Quan hệ Nga - Mỹ: Giai đoạn khó khăn mới
Thế giới - Ngày đăng : 07:58, 13/05/2016
Nga cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Châu Âu nhằm vào Mátxcơva chứ không phải Iran. |
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho rằng, sự kiện kích hoạt hệ thống phòng thủ tại Romania - một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực Châu Âu - cho thấy Mỹ đã có đủ khả năng để bảo vệ các đồng minh của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Châu Âu; đồng thời, khẳng định hệ thống "lá chắn tên lửa" không nhằm vào Nga và sẽ sớm được bàn giao cho Bộ Tư lệnh NATO. Sau gần một thập niên triển khai và tiêu tốn hàng tỷ USD đầu tư, hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania là cơ sở đầu tiên của Mỹ ở Châu Âu. Hệ thống này dựa vào các hệ thống ra đa để phát hiện tên lửa đạn đạo được phóng vào không gian. Sau đó, các bộ cảm biến sẽ đo quỹ đạo để đánh chặn và phá hủy trước khi nó quay trở lại khí quyển Trái đất.
Các tên lửa đánh chặn được phóng đi từ tàu hoặc các bệ phóng trên mặt đất. Dự kiến, Mỹ cũng sẽ triển khai một hệ thống tương tự tại Ba Lan và sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống ra đa và tàu chiến của Mỹ và đồng minh đang hoạt động ở Địa Trung Hải. Hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu được Mỹ khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. Thời điểm đó, mục tiêu chính của kế hoạch là chống lại Liên Xô. Sau khi "Chiến tranh Lạnh" kết thúc, kế hoạch bị gián đoạn một thời gian và chỉ được nối lại để phát triển dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush. Theo Mỹ, mục đích của "lá chắn tên lửa" là nhằm bảo vệ Bắc Mỹ và Châu Âu trước những quốc gia "hiếu chiến" như Iran và Triều Tiên. Dù Tehran đã đạt được thỏa thuận với các cường quốc thế giới về việc hạn chế chương trình hạt nhân, nhưng phương Tây tin rằng, Iran vẫn tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo khi nước này đã thực hiện hai cuộc thử nghiệm vào cuối năm ngoái.
Sự kiện kích hoạt hệ thống tên lửa tại miền Nam Romania được thực hiện trong bối cảnh NATO chuẩn bị triển khai lực lượng mới ở Ba Lan và các nước Baltic, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Và đương nhiên, Nga cảm thấy bất an trước những hành động được xem là biểu dương sức mạnh của bên từng là đối thủ trong thời Chiến tranh Lạnh. Điện Kremlin cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa không ngoài mục đích vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga đủ lâu để Mỹ có thể tấn công Nga trước, trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Theo Mátxcơva, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania là vi phạm Hiệp ước Thủ tiêu các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) được hai nước ký cách đây gần 30 năm. Nga cũng tuyên bố việc Mỹ và NATO thực thi kế hoạch trên sẽ làm suy yếu an ninh của Nga và buộc Mátxcơva phải đáp trả. Cụ thể, ngày 10-5, Tư lệnh Binh chủng tên lửa chiến lược của Nga thông báo nước này đang phát triển năng lực mới nhằm đối phó với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu. Dự kiến đến năm 2021, hiệu quả của các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga sẽ cao gấp 4 lần so với hiện nay và trong tương lai sẽ có khả năng tấn công từ các hướng khác nhau, buộc đối phương phải đưa ra một hệ thống phòng không toàn diện.
Sự kiện hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Châu Âu đi vào hoạt động dự báo quan hệ Nga - Mỹ bước vào một giai đoạn khó khăn mới, đối đầu trên một "mặt trận" mới. Trong khi đó, những mâu thuẫn, bất đồng về cuộc khủng hoảng Ukraine, Syria... vẫn chưa được giải quyết. Quan trọng hơn, nó khiến công cuộc kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ khó khăn hơn và có thể làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian giữa các cường quốc.