Bài 2: Triển khai hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 07:45, 13/05/2016

(HNM) - Những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, quy chế, quy định mới nhằm phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân đã được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Hoạt động giám sát trên lĩnh vực cải cách hành chính cần có sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ cơ sở và nhân dân.Ảnh: Nhật Nam


Với vai trò là tổ chức tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, MTTQ các cấp đã và đang triển khai nhiều hoạt động khẳng định quyền làm chủ của nhân dân, nổi bật là hoạt động giám sát và phản biện xã hội (PBXH). Thực tế này thể hiện rõ nét trong hoạt động của MTTQ các cấp TP Hà Nội.

Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra

Dự án xây dựng hệ thống cống thoát và cải tạo đường ở phố Tây Kết (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) được đưa vào sử dụng hơn một năm nhưng ấn tượng về quá trình thi công vẫn còn trong trí nhớ của nhiều cán bộ, người dân trên địa bàn. Đó là vì đơn vị thi công đã làm sai so với thiết kế được duyệt, không đổ cát làm nền móng, bê tông mặt đường không đạt yêu cầu… Sự việc được cán bộ Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và nhân dân phát hiện, kiên quyết đấu tranh với sai phạm, buộc đơn vị thi công phải "bóc" mặt đường đã thi công để làm lại theo đúng thiết kế.

Vụ việc tương tự khác được phát hiện qua sự giám sát của MTTQ và nhân dân là sai phạm quá trình sửa chữa toàn bộ hệ thống cửa Trường Tiểu học Lương Yên: Theo dự toán là thay mới toàn bộ nhưng khi thực hiện thì chỉ thay một số mới, còn lại tận dụng cửa cũ, gây thất thoát hàng chục triệu đồng. Sau đó, chủ đầu tư đã phải thay mới toàn bộ cửa như cam kết ban đầu.

Trên đây chỉ là hai trong số gần 23 nghìn vụ việc vi phạm được cán bộ, nhân dân phát hiện trong 5 năm qua trên địa bàn Thủ đô; trong đó, có hơn 17 nghìn vụ được giải quyết triệt để. Đáng chú ý, theo từng năm, hoạt động giám sát được nâng cao về số lượng, chất lượng, nội dung và có bước chuyển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nổi bật, MTTQ đã huy động các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách pháp luật; thực hiện Pháp lệnh số 34 về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công; quản lý đất đai; trật tự xây dựng đô thị; bồi thường giải phóng mặt bằng; tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… Ở các địa bàn dân cư, hoạt động giám sát về chất lượng, chủng loại vật tư, hạng mục các công trình công ích được đẩy mạnh với tinh thần quyết liệt, đến cùng của cán bộ cơ sở và nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Sơn Tây Dương Quang Minh cho biết: Riêng năm qua, cán bộ và nhân dân các địa phương đã thực hiện 219 cuộc giám sát trên các lĩnh vực như việc thu chi các quỹ do nhân dân đóng góp, chính sách thuế, cải cách hành chính, chế độ một cửa, một cửa liên thông, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... cùng với 70 công trình, dự án về xây dựng đường sá, cầu cống, trường học, trụ sở… Tất cả đều có sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ cơ sở và nhân dân. Việc này không chỉ mang đến sự minh bạch mà còn giữ gìn sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt là thiết lập sự gắn kết giữa cán bộ và nhân dân.

Còn theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Bạch Đằng Phạm Ngọc Hồi, tuy tuổi cao song từ khi có cơ chế giám sát cộng đồng, ông thường xuyên đến các công trình xây dựng phúc lợi trên địa bàn để giám sát, qua đó phát hiện, kiến nghị điều chỉnh những sai phạm nếu có, nhắc nhở công nhân làm việc với trách nhiệm cao. "Tuy mệt nhưng tôi cùng nhiều người dân rất vui khi tham gia công việc này, bởi thấy thực sự có ích" - ông Phạm Ngọc Hồi nói.

Góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách

Cùng với việc tích cực tham gia giám sát nhằm bảo đảm các chủ trương, chính sách, kế hoạch của các cấp, các ngành được triển khai trong cuộc sống đúng mục đích, yêu cầu đề ra, thông qua tổ chức MTTQ, người dân còn tham gia hoạch định chính sách với hoạt động PBXH. Hơn 5 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp thành phố đã tổ chức được 160 hội nghị PBXH từ thành phố và cấp quận, huyện, phường, xã trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thu được kết quả tích cực. Chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp được nâng lên. Nhiều hội nghị PBXH được tổ chức góp phần hỗ trợ thành phố hoàn thiện các chính sách, khi ban hành được người dân hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc. Bên cạnh đó, nhiều chính sách sau khi được góp ý, thành phố đã kịp thời điều chỉnh.

Tiêu biểu, qua hội nghị PBXH về Đề án Quy định mức thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn thành phố do Ủy ban MTTQ thành phố tổ chức trước kỳ họp HĐND thành phố năm 2010 - nhận được tới 29 ý kiến và 44 bài tham luận của đại biểu là các nhà nghiên cứu, quản lý, cán bộ có chuyên môn... - đã góp phần để HĐND TP Hà Nội tạm thời chưa thông qua tại kỳ họp khi đó.

Tương tự, hội nghị PBXH vào tờ trình về việc ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 04 của HĐND thành phố về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn thành phố giai đoạn 2012-2016 là căn cứ góp phần để HĐND thành phố nghiên cứu, kết quả là tạm thời chưa thông qua đề án trên tại kỳ họp. Từ năm 2013 đến nay, các hội nghị PBXH của MTTQ thành phố đã cho ý kiến vào 10 dự thảo Nghị quyết HĐND triển khai thực hiện Luật Thủ đô; MTTQ các quận, huyện tổ chức hàng chục hội nghị PBXH, góp phần điều chỉnh, hoàn thiện nhiều quyết sách của chính quyền cùng cấp.

Thực tế, qua giám sát, PBXH, Mặt trận cùng nhân dân giúp chính quyền các cấp tiếp thu, điều chỉnh nhiều dự án, đề án, chương trình hành động sát đời sống xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Bùi Anh Tuấn khẳng định: Ở nơi nào có cấp ủy quan tâm và chính quyền phối hợp thì nơi đó giám sát, PBXH được thực hiện hiệu quả. Chất lượng giám sát, PBXH còn chưa đồng đều còn do trong những năm qua, MTTQ tiếp nhận số lượng công việc lớn, quy mô rộng, trong khi lực lượng chuyên trách công tác này ở các quận, huyện còn mỏng, kinh phí hoạt động và chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc còn bất cập…

Khắc phục các hạn chế trên, ngoài sự nỗ lực của Ủy ban MTTQ các cấp, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để có thể huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nâng cao hiệu quả giám sát, PBXH, phát huy tốt hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân.

Linh Nhi