Còn nhiều việc phải làm

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:33, 13/05/2016

(HNM) - “Vướng đủ thứ”, “chậm trễ”… là những cụm từ đã trở nên quen thuộc khi nói đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ các dự án lớn trên địa bàn thời gian qua. Ngoài lý do như lịch sử nguồn gốc thửa đất cần GPMB phức tạp dẫn tới việc xác minh kéo dài, giá đền bù thấp hơn giá thị trường… thì cũng có những yếu tố khác.


Thứ nhất, nhiều dự án người dân đồng thuận với chính sách đền bù, muốn ổn định cuộc sống và muốn dự án sớm được triển khai nhưng lại chưa bố trí được quỹ nhà tái định cư (TĐC). Điển hình trong trường hợp này là dự án đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài (quận Hai Bà Trưng). Các hộ dân đã đồng tình phương án đền bù, GPMB, nhưng do thiếu quỹ nhà TĐC (dự kiến bố trí tại khu Hoàng Cầu, Đống Đa) nên quận đề nghị phương án tạm cư nhưng người dân không đồng tình, muốn bố trí TĐC một lần. Vì vậy, việc GPMB dự án này lâm vào thế bí. Ở những dự án khác, nhiều trường hợp nhà bị thu hồi, cắt xén, diện tích còn lại không đủ điều kiện bố trí nhà TĐC, nhưng khi hoàn thành GPMB, hộ có nhiều nhân khẩu ở chung, diện tích chật chội. Họ mong muốn được xét vào diện mua nhà TĐC nhưng quy định lại không cho phép…

Thứ hai, chất lượng nhiều dự án nhà TĐC không bảo đảm, xuống cấp nhanh chóng. Nhiều dự án "vẽ" ra đủ thứ nhưng sau khi bàn giao nhà cho người dân thì dường như "quên" mất việc xây dựng các công trình hạ tầng phụ trợ như đã cam kết, khiến mục tiêu cuộc sống của người dân ở nơi định cư mới "phải ngang bằng, thậm chí tốt hơn nơi ở cũ" không đạt…

Mặt khác, sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, công tác GPMB đã được tháo gỡ nhiều "điểm nghẽn". Tuy nhiên, không vì thế mà những khúc mắc liên quan đến vấn đề này đã được hoàn toàn giải tỏa. Đó là quy trình xác định giá đất quá dài, thiếu quỹ đất TĐC (khu vực nông thôn), vốn không đáp ứng kịp tiến độ GPMB (dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội kéo dài cả chục năm nay là điển hình), dẫn đến nguy cơ nhiều dự án trọng điểm của thành phố và các quận, huyện khó bảo đảm đúng kế hoạch.

Những khúc mắc nêu trên đã kéo dài suốt nhiều năm nhưng chưa được xử lý rốt ráo khiến việc có "mặt bằng sạch" để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án luôn là nỗi ám ảnh của nhà thầu. Tất nhiên, GPMB chậm kéo theo hàng loạt công việc bị ùn tắc và cái kết chung là các dự án không về đích đúng hẹn, là một phần dẫn tới việc nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cao đến "chóng mặt". Có thể đề cập đến trường hợp hai dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội; đường Vành đai 2, đường Trần Khát Chân kéo dài - đê Nguyễn Khoái… Trong câu chuyện này, cả Nhà nước và người dân cùng chịu thiệt. Vậy nên, giải quyết triệt để, tận cùng những bất cập liên quan đến chính sách GPMB và những vấn đề liên quan là điều cần thiết và cấp bách.

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh. Với những người đi xa lâu ngày trở lại sẽ có chung cảm nhận là thành phố đang thay đổi từng ngày. Những tuyến đường, cao ốc, chung cư mới… mang lại diện mạo xanh - sạch - đẹp cho Thủ đô. Để có được "bức tranh" ngày một khang trang ấy, hàng vạn gia đình đã phải di dời để phục vụ mục tiêu phát triển. Thực tế những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ GPMB, đưa các dự án hạ tầng sớm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị. Nhưng để có sự hài hòa giữa quyền lợi, nghĩa vụ của công dân với trách nhiệm của Nhà nước, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm.

Long Biên