Điểm chung để phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:23, 12/05/2016
Đây là triết lý vô cùng độc đáo, khúc triết, và suy cho cùng, đó chính là nền móng tư tưởng phát huy quyền làm chủ của nhân dân mà gần 70 năm sau, vấn đề này còn mang nguyên tính thời sự.
Phát triển tư tưởng truyền thống "Dĩ dân vi bản", "Dân vi bang bản", Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nước lấy dân làm gốc; gốc có vững cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân. Cũng từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hiến pháp năm 2013 đã được xây dựng, phát triển trên một tầm mức mới và khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Như vậy, nói một cách dễ hiểu là nhà nước của ta là nhà nước dân chủ nhân dân; Nhân dân làm chủ tức là nhân dân coi việc nước cũng như việc nhà. Và chỉ khi đó, sức dân, tài dân, của cải của nhân dân mới mang lại lợi ích cho nhân dân.
Mọi công dân Việt Nam sống trên dải đất hình chữ S nằm nên bờ Biển Đông, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều phải hiểu rõ quyền lợi của mình, bổn phận của mình, để tham gia có trách nhiệm đối với công việc của nước nhà.
Ngày tất cả cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang đến gần, thử hỏi điều đó có quan trọng không khi người dân cả nước trực tiếp lựa chọn ra những người đại diện cho nhân dân, gánh vác công việc chung của đất nước trong một giai đoạn mới có không ít những cơ hội, thuận lợi nhưng cùng với đó là bao khó khăn thách thức? Thử hỏi, ngày đó có quan trọng không khi chính những người dân đứng ra lựa chọn cho mình những "đày tớ" từ Trung ương đến địa phương có thể hết lòng, hết sức vì dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thực sự là những công bộc trung thành của nhân dân?
Đó chính là cái đích cuối cùng hướng đến để xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Và mỗi công dân cần phải thấy rằng, đây chính là nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc lựa chọn người vừa có tâm, vừa có tầm, vừa có năng lực, đại điện cho tiếng nói và lợi ích chung của cộng đồng xã hội. Đó cũng chính là phát huy một cách mạnh mẽ nhất quyền làm chủ của nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xu thế chung của thời đại.
Như vậy, có thể thấy, để lựa chọn ra được những "đầy tớ" tốt của nhân dân cả về phương diện phẩm chất đạo đức và trình độ, năng lực nghiệp vụ thì cử tri cần phải tìm hiểu kỹ càng về người đại diện cho mình. Ngược lại, các ứng cử viên cần tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, dành thời gian đi thực tế để nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đưa ra những chương trình hành động cụ thể, thiết thực, đáp ứng với đòi hỏi của cử tri. Và quan trọng là, những người đặt niềm tin vào lá phiếu chính là những người giám sát chặt chẽ nhất, chuẩn xác nhất công việc của "đầy tớ" nhân dân dân.
Khi người đặt niềm tin lựa chọn và người được tín nhiệm cùng gặp nhau ở một điểm thì chắc chắn sức dân, tài dân, của cải của nhân dân sẽ phát huy tối đa khả năng làm lợi cho xã hội, đưa đất nước phát triển lên những tầm cao mới bởi chúng ta đã xây dựng được một nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.