Tại phường Phương Mai (quận Đống Đa): 15 năm vẫn “tắc đường” cứu hỏa
Xã hội - Ngày đăng : 06:17, 12/05/2016
15 năm nay, người dân liên tục kiến nghị dỡ bỏ căn nhà tạm này. |
Căn nhà mái bằng để hoang mà người dân đề cập vốn là nhà tạm cho công nhân ở trong quá trình thi công các dãy nhà D Khu tập thể Phương Mai (khoảng trước năm 1990). Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, đơn vị thi công rút đi, nhưng căn nhà tạm này không bị phá bỏ mà tồn tại đến giờ. Bà Hoàng Bảo Phương - Chủ tịch UBND phường Phương Mai cho biết: Trước đây, việc quản lý đất tại các khu vực nói chung được giao cho các cơ quan, đơn vị khác nhau. Và khu vực này, Bộ NN&PTNT là đơn vị chủ quản, giao cho Công ty Xây lắp và vật tư xây dựng số 5 (CTXL số 5) - công ty con trực thuộc Tổng công ty Xây dựng NN&PTNT) xây dựng nhà tập thể. Căn nhà hiện không có ai ở nhưng vẫn có người quản lý.
Liên quan đến kiến nghị của người dân về việc dỡ bỏ nhà hoang chắn lối đi, theo tài liệu cung cấp của UBND phường Phương Mai, chúng tôi được biết, sự việc đã kéo dài hơn chục năm nay. Cụ thể, ngày 4-3-2002, UBND phường Phương Mai đã có công văn số 31 gửi Tổng công ty Xây dựng NN&PTNT và Công văn số 35, ngày 7-3-2002, gửi CTXL số 5 về việc giải tỏa làm đường từ nhà D2A sang nhà D6 phục vụ nhân dân. Trong Công văn phúc đáp số 177-TCCTXD/VP, ngày 14-3-2002, Tổng công ty Xây dựng NN&PTNT hoàn toàn nhất trí với đề nghị của UBND phường. Tại cuộc họp giữa lãnh đạo CTXL số 5 với lãnh đạo phường Phương Mai ngày 8-5-2003, lãnh đạo công ty cũng thống nhất với nội dung UBND phường đề nghị. Sau đó, con đường từ nhà D2A sang nhà D6 được thi công. Song dù đã được "nhất trí", việc dỡ bỏ gian nhà vẫn không được CTXL số 5 thực hiện.
Ngày 27-5-2003, UBND phường Phương Mai tiếp tục có Công văn số 83/CV-UB gửi CTXL số 5, nêu rõ: "Hiện nay, con đường từ nhà D2A sang nhà D6 đã được làm đến sát gian nhà của cơ quan chắn trên đường. Để sớm hoàn thiện và đưa công trình vào sử dụng, phục vụ nhân dân đi lại, UBND phường đề nghị cơ quan cho dỡ bỏ gian nhà - hiện do cơ quan đang quản lý, tạo điều kiện đáp ứng nguyện vọng của nhân dân". Vậy nhưng, những đề nghị trên đều không được CTXL số 5 thực hiện. Con đường bị tắc. Trong khi đó, cuối ngõ 28C là Trung tâm Y tế; cuối ngõ 28D là trụ sở UBND phường, vậy là "gần nhà, xa ngõ", người dân sinh sống tại các dãy nhà tập thể ở 2 con ngõ này phải đi vòng ra tận đầu ngõ (theo hình chữ U) để đi thông sang nhau. Không những vậy, người dân khu vực thắc mắc: Ngôi nhà đang để trống. Thế nhưng từ ngày 1-10-2015 đến nay, lại trở thành kho trung chuyển rượu - bia Sài Gòn.
Trước những kiến nghị nêu trên, bà Phương cho biết, UBND phường cũng như UBND quận đã nhiều lần làm việc với CTXL số 5. Tại các cuộc làm việc, công ty này đều khẳng định quyền sở hữu đối với căn nhà tạm. Gần đây nhất (ngày 18-1-2016), tại UBND quận, Phòng TN&MT quận Đống Đa đã tổ chức buổi làm việc với CTXL số 5, có sự tham dự của ông Trần Xuân Huy - Phó Giám đốc công ty. Các ý kiến từ phía công ty đều cho rằng:
Căn nhà tạm trên đã được Bộ NN&PTNT giao cho công ty để CBCNV ở, sinh hoạt và làm nhà kho trong quá trình xây dựng các khu nhà tập thể. Căn nhà đã sử dụng trước năm 1990, hiện công ty không có giấy tờ sử dụng liên quan đến khu đất này. Việc quyết định xử lý như thế nào sẽ phải phụ thuộc vào ý kiến của cổ đông công ty. Nếu UBND quận Đống Đa có dự án cụ thể, hợp pháp thì công ty sẵn sàng ủng hộ việc thu hồi để xây dựng vào mục đích công cộng.
Ủng hộ đề nghị về việc phá dỡ nhà tạm, mở thông tuyến đường cho bà con tiện đi lại, song bà Phương cũng cho biết, chính quyền không thể tự ý phá dỡ, vì nếu tổ chức phá dỡ sẽ vi phạm pháp luật. Như vậy, sau các cuộc "làm việc" giữa chính quyền địa phương và CTXL số 5, việc xử lý căn nhà tạm trên sẽ như thế nào? Tuyến đường sẽ tiếp tục được mở thông hay cứ để tồn tại 15 năm nay? Đây là điều người dân cần sớm có câu trả lời.