Giữ tiếng thanh lịch, văn minh

Văn hóa - Ngày đăng : 06:13, 12/05/2016

(HNM) - Đổi mùa, Hà Nội như khoác một tấm áo mới, mỗi người trang bị cho mình những trang phục phù hợp thời tiết. Thế nhưng chuyện ăn mặc ngày hè nóng bức, không khí đầy khói bụi với mỗi người đang sinh sống tại khu vực nội đô luôn là nỗi bận tâm. Làm sao trang phục tiện lợi, dễ chịu mà vẫn bảo đảm đẹp, lịch sự, để Hà Nội luôn giữ được cái tiếng thanh lịch, văn minh là câu hỏi không dễ trả lời.

Cần thiết kế những mẫu áo chống nắng vừa phù hợp với điều kiện thời tiết vừa bảo đảm văn minh, lịch sự. Ảnh: Đức Nghiêm


Chuyện ăn mặc

Vừa mới chớm hè, Sở VH&TT Hà Nội đã phải quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Công ty Điện máy Trần Anh vì để người mẫu mặc bikini đón khách và tiếp thị tại Siêu thị Trần Anh hôm 28-4. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết: Đây là mức xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quảng cáo đối với doanh nghiệp, bởi hành vi này ảnh hưởng tới nét đẹp văn hóa Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đối với việc ăn mặc cũng không quá bó hẹp. Dưới con mắt của người làm văn hóa, NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội nhận định: "Cái đẹp trong mắt mỗi người đều khác, tuy nhiên vấn đề cốt lõi của việc đẹp hay không trong ăn mặc là sự phù hợp với hoàn cảnh.

Văn hóa ăn mặc của người Hà Nội cũng từ đây mà điều chỉnh". Trở lại với vụ việc vi phạm ở trên, trang phục bikini không phải là xấu nếu trong hoàn cảnh phù hợp như tại bể bơi hoặc biển. Nhưng ở tại không gian mua sắm công cộng thì hành vi này trái với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục. Đây là một trong rất nhiều trường hợp ăn mặc hở hang, phản cảm không phù hợp với hoàn cảnh và gây bức xúc cho cộng đồng. Hình ảnh những cô gái mặc váy ngắn cũn cỡn, hở trên, hở dưới đi vào các không gian tôn kính như chùa chiền, di tích lịch sử… hay người cởi trần, mặc quần áo ngủ ở các công viên, không gian công cộng ngày càng không phải là hiếm...

Không chỉ chuyện ăn mặc hở hang, phản cảm của không ít người ở Hà Nội là "có vấn đề", mà mặc kín đáo nhưng đẹp hay không cũng là chuyện cần nói. Đấy là nhắc đến thời trang chống nắng trong mùa hè. Hầu hết ai cũng khá chăm chút vấn đề ăn mặc khi ra đường hoặc đi làm việc, nhưng để trùm bên ngoài, chống chọi với cái nắng thì lại sử dụng những chiếc áo, váy rộng thùng thình, in hoa nhàu nhĩ, màu sắc loang lổ, kín mít từ đầu đến chân. Chưa biết chất lượng chống nắng thật sự của trang phục "ninja" này ra sao nhưng riêng về phần "nhìn", đang có nhiều ý kiến là… "gây mất mỹ quan đô thị". Hè năm ngoái, tôi có người bạn tên Guillaume từ Pháp sang chơi, nhìn phố phường Hà Nội anh cứ tủm tỉm: "Ao ước được ngắm gương mặt Á Đông mà tìm cả ngày chẳng thấy".

Tự ý thức mỗi người

Để góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo Chương trình 04 của Thành ủy về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thì văn hóa trong ăn mặc cũng cần có những quy ước nhất định. Sở VH&TT Hà Nội đã được giao nhiệm vụ chủ trì đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội". Trong đó, có những quy ước về ăn mặc mà bất cứ ai đang sinh sống, lao động và học tập trên địa bàn Thủ đô đều phải thực hiện như: Không cởi trần, mặc đồ ngủ đến nơi công cộng; không nên mặc đồ quá ngắn tại khu vực tín ngưỡng, tôn giáo…

Trong hệ thống quy phạm pháp luật cũng có nhiều quy định về ăn mặc của người biểu diễn nghệ thuật, người mẫu quảng cáo khá cụ thể và nghiêm ngặt. Bởi biểu diễn nghệ thuật và quảng cáo là những lĩnh vực có khả năng phổ biến hình ảnh tới cộng đồng cao. Hà Nội là một trong những thành phố nghiêm túc nhất cả nước trong việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo có ăn mặc hở hang, phản cảm. Toàn bộ các chương trình nghệ thuật chỉ được cho biểu diễn khi Hội đồng nghệ thuật đã duyệt trực tiếp nội dung và trang phục. "Đây là những hành động tích cực ở góc độ quản lý, nhưng văn hóa ăn mặc của một cộng đồng dân cư hơn 7 triệu người với nhiều độ tuổi, trong nhiều hoàn cảnh chỉ có thể đẹp và văn minh khi tự mỗi người ý thức." - NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

Trở lại với thời trang "ninja" của hầu hết chị em, chị Nguyễn Phương Thảo (Ngõ 255 Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: "Đúng là đồ chống nắng hiện nay trông vừa nhếch nhác vừa luộm thuộm nhưng có quá ít sự lựa chọn". Bà Hoàng Thanh Phương, Trưởng phòng Marketing hãng thời trang Genviet chỉ ra: "Thời trang chống nắng phổ biến ở ta mới chỉ có thể chắn nắng, chứ chưa chống tia cực tím hay hồng ngoại có hại cho cơ thể. Mẫu mã thì hầu như không được qua thiết kế chuyên nghiệp". Trang phục chống nắng đòi hỏi cao về tác dụng vật lý, hóa học và yêu cầu thẩm mỹ. Vì vậy, nhiều hãng thời trang của Việt Nam đã nghiên cứu nhưng chưa sản xuất được sản phẩm bảo đảm và phù hợp. Trên thị trường hiện nay có sản phẩm ngoại nhập nhưng giá khá đắt. Thế nên, trước mắt có lẽ chỉ trông chờ vào ý thức của người mặc sao cho hợp lý, gọn gàng, sạch sẽ…

Trong cuốn "Thiết kế" của bộ sách "Dẫn luận về nghệ thuật", GS John Heskett viết: Những sản phẩm thực tiễn luôn phản ánh nhân dạng và khát vọng của chúng ta thông qua hình thức và nghệ thuật trang trí. Nếu coi trang phục là sản phẩm thực tiễn thì những gì mặc trên người phản ánh rõ về cá nhân đó, đồng thời góp phần làm nên vẻ đẹp của cộng đồng. Vậy mỗi người, từ ý thức đến hành động, hãy cùng thể hiện văn hóa trong ăn mặc, để Hà Nội luôn giữ được tiếng thanh lịch, văn minh.

Yên Nga