Đầu tư an toàn cho quỹ BHXH
Đời sống - Ngày đăng : 10:19, 11/05/2016
Trong những năm qua, hiệu quả đầu tư từ nguồn tiền của BHXH luôn là mối quan tâm lo lắng của các nhà quản lý cũng như người tham gia bảo hiểm. Mối lo đó hoàn toàn có cơ sở vì trên thực tế đã có không ít tiền huy động từ quỹ này khó được thu hồi về, như vụ hàng trăm tỉ đồng Công ty Cho thuê tài chính II huy động từ BHXH trước đây. Lý do không thu hồi là ngân hàng bảo lãnh cho Công ty Cho thuê tài chính II đã xóa bảo lãnh năm 2009, hiện gần như toàn bộ ban lãnh đạo Công ty cho thuê tài chính II đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet. |
Tuy nhiên, về cơ bản, nguồn Quỹ BHXH đều được đầu tư bảo toàn và tăng trưởng, đại diện BHXH Việt Nam khẳng định. Theo báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo BHXH năm 2015 của Cơ quan BHXH Việt Nam gửi Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, kết thúc năm 2015, số dư đầu tư Quỹ đã đạt hơn 435.129 tỷ đồng, tăng 65.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014.
Đặc biệt, hết năm 2015, số lãi thu được ước đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 127,6% so với năm 2014 và đạt 106,7% so với kế hoạch Chính phủ giao. Dự kiến năm 2016, số dư đầu tư quỹ sẽ đạt 475.176 tỷ đồng với số lãi thu từ các hoạt động đầu tư quỹ đạt khoảng 34.200 tỷ đồng. Ông Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch rõ rệt theo hướng tăng dần tỷ lệ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vay và mua trái phiếu Chính phủ, giảm dần tỷ lệ cho Ngân hàng thương mại nhà nước vay. Đến hết năm 2015, tỷ lệ cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ và đầu tư vào dự án thủy điện Lai Châu đã đạt 86,3% số đầu tư của Quỹ, tỷ lệ cho Ngân hàng thương mại Nhà nước vay đạt 13,7%...
Để hoạt động đầu tư quỹ đi vào nền nếp, cơ cấu đầu tư quỹ chuyển dịch theo hướng tăng tính an toàn nên mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý. Nghị định nêu rõ, hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN phải bảo đảm minh bạch, an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.
Theo đó, hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện thông qua 5 hình thức theo thứ tự ưu tiên: mua trái phiếu Chính phủ; cho ngân sách nhà nước vay; sau đó mới đến gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hình thức ưu tiên thứ 4 của nguồn tiền này là cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành. Cuối cùng là đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc đầu tư vào hình thức 4 và hình thức 5 chỉ áp dụng đối với quỹ BHTN và không được vượt quá 20% số dư quỹ BHTN của năm trước liền kề.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định mức tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, quy định tiền sinh lời thu được hằng năm của hoạt động đầu tư theo quy định tại Nghị định này và số tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi theo quy định của pháp luật được sử dụng để trích lập quỹ dự phòng rủi ro và phân bổ vào các quỹ.
Trong đó, mức trích quỹ dự phòng rủi ro hằng năm tối đa không quá 2% số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư cho đến khi số dư quỹ dự phòng rủi ro bằng 5% số dư nợ đầu tư vào hình thức 3 và hình thức 5 của năm trước liền kề. Mức trích cụ thể hằng năm do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định. Quỹ dự phòng rủi ro trong thời gian chưa sử dụng, được sử dụng đầu tư vào các hình thức 1 và hình thức 2.
Với những quy định mới đó, phần nào cho thấy hoạt động quỹ đầu tư của BHXH đang tiếp tục được quản lý chặt chẽ nhằm tăng tính an toàn cho quỹ. Hiện BHXH Việt Nam đang đợi các văn bản hướng dẫn cũng như quy chế phối hợp trong việc cung cấp danh sách các ngân hàng hoạt động tốt giữa Ngân hàng Nhà nước và BHXH Việt Nam.