Nghệ sĩ Kim Cương viết hồi ký ở tuổi 80

Xã hội - Ngày đăng : 08:45, 11/05/2016

(HNMO)  - Ngày 10-5 tại TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Kim Cương đã ra mắt cuốn hồi ký “Nghệ sĩ Kim Cương – Sống cho người, sống cho mình” khi bà gần bước vào tuổi 80. Nghệ sĩ Kim Cương có ý định viết hồi ký từ năm 1973 nhưng do nhưng do gặp nhiều trở ngại cuốn hồi ký bị bỏ dở, 40 năm sau hồi ký mới chính thức ra mắt độc giả cả nước.

Hồi ký “Nghệ sĩ Kim cương – Sống cho người, sống cho mình”


Cuốn hồi ký “Nghệ sĩ Kim Cương – Sống cho người, sống cho mình” do công ty TNHH MTV Sách Phương Nam in 10.000 cuốn, phát hành trên toàn quốc. Chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt cuốn hồi ký, nghệ sĩ Kim Cương cho biết: “Khi gần bước vào tuổi 80 tôi mới thấy thời gian trở nên hữu hạn. Tôi tiếp tục thực hiện cuốn hồi ký mình bỏ giở suốt 40 năm qua. Mục đích tôi muốn viết hồi ký một phần là để giới trẻ thực sự hiểu cái sướng chân chính của người nghệ sĩ. Là nghệ sĩ đứng trên ánh hào quang sân khấu, cái vui không phải tiếng vỗ tay, những tràng hoa mà chính là sự đồng cảm của khán giả với nhân vật của mình”.

Cuốn hồi ký “Nghệ sĩ Kim Cương – Sống cho người, sống cho mình” chứa 25 câu chuyện được chia làm 4 phần với những dư vị ngọt ngào lẫn đắng cay của một nghệ sĩ gạo cội. Đây là lần đầu tiên, bà thổ lộ nhiều bí mật cuộc đời, có những góc khuất chưa một lần tiết lộ trên mặt báo, trong đó có những chuyện như: nữ nghệ sĩ bị đồn về lối sống buông thả, bị dụ dỗ nhảy thoát y, và cả những mối tình sâu kín chưa một lần thổ lộ.

Cuốn hồi ký lột tả cho độc giả một Kim Cương nghịch ngợm giữa một thế giới đầy âm thanh và màu sắc khi cô cùng ba má rong ruổi suốt hành trình diễn xướng, ở trong sách cũng lột tả một Kim Cương đầy cô đơn và bơ vơ sau sự ra đi đột ngột của cha đẻ. Không chỉ lột tả quãng đời 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, gắn bó với ánh đèn sân khấu, nghệ sĩ Kim Cương dành những trang viết riêng cho gia đình, đó là tình cảm dành cho ba, má, em gái và con trai của nữ nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh năm 1937 trong một gia đình truyền thống, ba là ông bầu Phước Cương, mẹ là NSND Bảy Nam. Bà đến với sân khấu từ lúc mới sinh được 18 ngày tuổi, với vai đứa con trong vở “Quan Âm Thị Kính”. Năm 1950 nghệ sĩ Kim Cương được mệnh danh là “kỳ nữ” với vai diễn trong “Giai nhân và Ác quỷ”. Năm 1956, Kim Cương lập đoàn kịch nói đầu tiên ở Sài Gòn. Sự nghiệp bà nở rộ nhất vào thời gian này, trong quá trình hoạt động nghệ thuật, bà đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng là đạo điễn sân khấu, là tác giả của 70 vở kịch nổi tiếng như “Lá sầu riêng”, “Trà hoa nữ”, “Tôi làm mẹ”.

Các giải thưởng danh giá nữ nghệ sĩ đạt được như: Nữ diễn viên đóng nhiều vai chính nhất của Đại hội điện ảnh Sài Gòn (1973), Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Đại hội điện ảnh Á châu (1974), Huân chương Lao động hạng Nhì (2009), danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân 2012.

Sau rút khỏi hoạt động sân khấu, nghệ sĩ Kim Cương tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Hiện bà đang giữ chức Phó chủ tịch thứ nhất Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh, làm việc trong Ban chấp hành Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh.

Tuệ Diễm