Bài 2: Những tấm gương bình dị mà cao quý
Chính trị - Ngày đăng : 07:45, 11/05/2016
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tặng Bằng khen các cá nhân có thành tích xuất sắc tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 20 của Thành ủy.Ảnh: Viết Thành |
Những con người tiêu biểu
Ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, ông Lương Văn Tăng, 76 tuổi, một cựu chiến binh đã kỳ công gây dựng thư viện cho làng với gần 1 vạn cuốn sách, 5 tờ báo đọc hằng ngày. Quan trọng hơn, con người giản dị nhưng đáng kính này đã khơi dậy một nét đẹp, đó là văn hóa đọc. Mỗi năm, "thư viện ông Tăng" là điểm đến ưa thích của hơn một vạn lượt người.
Bình dị như hàng trăm phụ nữ khác giữa đời thường, bà Khuất Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Lạc Sơn, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây dù tuổi cao sức yếu, vẫn luôn tin rằng, việc tốt dù nhỏ cũng sẽ đem đến cho đời những niềm vui. Học tập tinh thần tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi năm bà tiết kiệm tiền lẻ đi chợ được 2-3 triệu đồng làm từ thiện. Không những thế, bà Hiền còn là tấm gương sáng vận động các hội viên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Hàng chục đám cưới, đám tang trên địa bàn đã thực hiện nếp sống văn minh, không thuốc lá nhờ công vận động của người phụ nữ này.
Nói về cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh 5 năm qua, còn phải kể đến những con người rất đỗi bình dị nhưng hành động rất cao quý. Đó là, tại quận Hai Bà Trưng có ông Trần Viết Kiến, cựu chiến binh phường Vĩnh Tuy, hằng năm ủng hộ các hoạt động từ thiện hơn 40 triệu đồng, xây dựng nhà văn hóa phục vụ các hoạt động của khu dân cư. Ở huyện Đông Anh, có bạn Nguyễn Tiến Phương, Bí thư Chi đoàn thôn Lại Đà thành lập nhóm hỗ trợ ôn thi tình nguyện miễn phí hay bà Nguyễn Thị Điểng, Xóm Thượng, xã Cổ Loa đã tình nguyện tháo dỡ một phần nhà ở để hiến đất mở đường dân sinh. Tại huyện Sóc Sơn, có 4 cán bộ, đảng viên và 1 mẹ liệt sĩ hiến hàng trăm mét vuông đất, trị giá hàng trăm triệu đồng làm đường xây dựng nông thôn mới. Ở huyện Mỹ Đức có ông Phan Minh Doanh, xã viên Đội 9, Thôn Thượng, xã Phùng Xá đã tự giác hiến 136m2 đất thổ cư làm đường giao thông...
Ở quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị nào cũng có những tấm gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất đáng trân trọng. Những con người như thế xuất hiện trong cuộc sống không chỉ tạo ra những lợi ích vật chất tốt đẹp cho cộng đồng, mà còn lan tỏa lòng tốt, sự tử tế.
Những tập thể điển hình
5 năm Hà Nội thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị cũng xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu. Đảng bộ phường Thạch Bàn (quận Long Biên) đã chứng minh được rằng, khi nội bộ đoàn kết, nhân dân đồng thuận, nhiều việc tưởng như khó khăn không thể vượt qua đều có thể giải quyết tốt được. Bằng cách làm sáng tạo, Đảng bộ phường huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực thi nhiệm vụ chính trị. Với mô hình "Chi bộ bốn tốt, đảng viên nêu gương", phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình, các chi bộ của phường đã phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, được người dân tin yêu.
Với cách làm này, dù trên địa bàn phường có đến 26 dự án phải giải phóng mặt bằng liên quan đến khoảng 2.000 lượt hộ dân, nhưng tuyệt nhiên không phải cưỡng chế một trường hợp nào và từ năm 2011 đến nay, không có bất kỳ một công trình nào xây dựng không phép, trái phép. Đảng bộ phường 6 năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Năm 2015, Thạch Bàn được công nhận đạt chuẩn mô hình cơ quan điện tử cấp phường. Bộ phận "một cửa" của phường cũng đạt chuẩn liên tục 6 năm qua.
Cũng với tâm huyết thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị một cách hiệu quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông đã triển khai hàng loạt mô hình sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực như: Thực hiện tiết kiệm điện với khẩu hiệu "Ra tắt, vào bật", xây dựng 68 "chi hội phụ nữ văn minh", mô hình "4 tránh" trong công tác dân số, "6 không" trong quản lý đô thị, "7 nhớ" khi tham gia giao thông; xây dựng 256 đoạn đường phụ nữ tự quản, 27 tuyến phố xanh, nở hoa… Hội từng khai thác từ nguồn xã hội hóa được trên 4 tỷ đồng để tặng hơn 7.000 suất quà, thẻ tiết kiệm, xe đạp, học bổng cho phụ nữ gia đình chính sách, phụ nữ, trẻ em khó khăn, hỗ trợ xây sửa 33 nhà dột nát. Hằng năm, Hội còn khai thác trên 70 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ vay phát triển kinh tế, qua đó giúp được gần 400 hộ phụ nữ thoát nghèo.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều tập thể đã có các giải pháp thúc đẩy tinh thần hăng say lao động của cán bộ, công nhân viên. Tổng công ty (TCT) Xây dựng Hà Nội có hàng nghìn công nhân, làm việc trên hàng chục công trường rải rác khắp nơi, nhưng nhờ biết chăm lo đời sống anh em, có cách quản lý hài hòa hợp lý, đã ăn nên làm ra, có những công ty con trả cổ tức đến 25%/năm. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt trên dưới 8 triệu đồng/người/tháng. TCT Vận tải Hà Nội liên tục đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi cách thức quản lý đã từng bước khắc phục tiếng xấu "hung thần xe buýt"; nâng cao trách nhiệm, thay đổi tác phong, lề lối của cán bộ, công nhân viên, nhất là trong ứng xử với hành khách…
Những tấm gương tập thể là những minh chứng rõ nhất về sự cần thiết nhân lên tinh thần chủ động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm trong công việc ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Một khi tập thể đoàn kết, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tâm huyết, trách nhiệm; không sớm thì muộn, những kết quả tích cực cũng sẽ đến. Sức mạnh tốt đẹp từ những gương tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lan tỏa ngày càng rộng, nhân lên ngày càng nhiều những con người tốt, những việc làm tốt.
Hà Nội đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong việc tôn vinh nhằm lan tỏa ngày càng rộng rãi những tấm gương học và làm theo gương Bác. Từ năm 2011 đến 2015, nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10) hằng năm, thành phố đã vinh danh 51 công dân Thủ đô ưu tú, biểu dương hàng nghìn gương "Người tốt việc tốt", những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo gương Bác được lựa chọn từ cơ sở, có thành tích trong tất cả các lĩnh vực và đời sống xã hội. |