Quản lý chất thải công nghiệp: Còn không ít bất cập

Đời sống - Ngày đăng : 07:17, 11/05/2016

(HNM) - Trong khi ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm do xả thải từ sản xuất công nghiệp, gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội thì việc giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng lại có không ít vấn đề. Có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi về sự bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát xả thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường…

Dây chuyền xử lý rác thải công suất 400 tấn/ngày đêm tại Nhà máy Xử lý chất thải Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Phương Dung


Những vấn đề nêu trên một lần nữa được "xới" lên tại cuộc tọa đàm "Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách", do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam, tổ chức sáng 10-5, tại Hà Nội.

Thiếu sự kết nối

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hoạt động quản lý chất thải công nghiệp đang có nhiều vấn đề. Trong đó, việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, quan trắc môi trường ở khu vực có cơ sở sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang rất thiếu tính hệ thống, không có sự kết nối giữa trung ương và địa phương. Đơn cử như việc xả thải có phải giám sát thường xuyên hay không, kể cả giám sát trong quá trình xây dựng? Đây là vấn đề Sở TN&MT địa phương phải nắm được.

TS Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) băn khoăn: "Qua câu chuyện xả thải của khu công nghiệp, tôi nghĩ tại sao chúng ta không có hệ thống kiểm soát trung gian để bất kỳ ai, bất kỳ cơ quan kiểm soát nào, từ cảnh sát môi trường, cơ quan quản lý đến người dân, có thể phát hiện nước thải xả ra ở mức độ như thế nào? Hoặc yêu cầu doanh nghiệp phải xả ra đoạn kênh hở để kiểm soát, sau đó mới cho thải ngầm".

Về hoạt động giám sát, TS Nguyễn Xuân Sinh cho rằng, cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản, nhưng năng lực theo dõi, kiểm soát, quản lý chưa tốt, cộng với đó là ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp chưa cao. Có những nhà máy xi măng, hệ thống xả thải vận hành rất tốt, đúng quy trình khi có đoàn kiểm tra, nhưng ngay sau đó lại xả trực tiếp ra môi trường. Đáng tiếc, việc này diễn ra khá phổ biến.
Theo Bộ TN&MT, ô nhiễm môi trường do nước thải từ khu công nghiệp (KCN) những năm gần đây có tốc độ gia tăng cao hơn nhiều so với nước thải từ các lĩnh vực khác. Trong số hơn 200 KCN đang hoạt động có 165 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 79%. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này không vận hành thường xuyên, nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn Việt Nam.

Mặt khác, một số thành phố lớn đã quan tâm hơn đến xử lý chất thải công nghiệp song nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được đánh giá làm tốt trong việc yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả vào hệ thống chung; tổ chức thu gom xử lý chất thải rắn hoặc lưu giữ tại chỗ theo quy định... Nhưng không phải thành phố nào cũng làm được như vậy.

Lò đốt rác thải công nghiệp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Thái Hiền


Mở rộng quyền giám sát

Theo TS Nguyễn Xuân Sinh, câu chuyện về quy hoạch phát triển ngành hóa chất còn nhiều bất cập. Địa phương đua nhau xây dựng quy hoạch nhưng thực thi, quản lý nó còn nhiều khiếm khuyết. Ví dụ như quy hoạch ngành hóa chất, có những yêu cầu về đầu tư, khu vực, vùng... nhưng nhiều địa phương lờ đi, hoặc không để ý đến. Thậm chí quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng nhiều dự án không có trong quy hoạch vẫn được địa phương chấp thuận?!

Theo GS Đặng Hùng Võ, Việt Nam có khoảng 60 khu kinh tế ven biển nhưng hiệu quả hoạt động ra sao chưa được đánh giá, tổng kết. "Thực tế, các khu này thiên về yếu tố phát triển kinh tế chứ còn ít đề cập tới vấn đề môi trường" - ông Đặng Hùng Võ nói.

TS Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghiệp môi trường cho biết thêm: Hiện nay mới có 50% trong 63 tỉnh, thành phố có quy hoạch thoát nước, xử lý nước thải, nhưng lại thiếu thực tiễn. Nhiều địa phương chưa đánh giá xem thực hiện đến đâu, rút kinh nghiệm như thế nào, để xây dựng quy định mới. "Tại nhiều địa phương có tình trạng doanh nghiệp hình thành, hoạt động rồi mới xây dựng thành KCN. Rõ ràng, ở đây, vấn đề quy hoạch cũng còn lộ bất cập" - TS Trần Hiếu Nhuệ chia sẻ.

GS Đặng Hùng Võ kiến nghị cơ quan chức năng phải rà soát hoạt động của doanh nghiệp, các KCN, không thể để hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường như vừa qua. Muốn vậy, hệ thống kiểm soát, thanh tra, kiểm tra phải kết nối chặt chẽ từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, việc tham gia của người dân, các tổ chức xã hội vào giám sát môi trường là hết sức cần thiết. "Tôi đề nghị Quốc hội bổ sung vào Luật Bảo vệ môi trường quy định người dân và các tổ chức xã hội tham gia giám sát việc xả thải của doanh nghiệp" - GS Đặng Hùng Võ nói.

Nhiều ý kiến yêu cầu phải kiện toàn hệ thống giám sát và mở rộng quyền giám sát cho các tổ chức xã hội, người dân; cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và có trách nhiệm giải trình, chỉ rõ đúng ở đâu, sai ở đâu. Ý kiến giám sát đúng phải được cơ quan chức năng và doanh nghiệp tiếp thu, điều chỉnh hợp lý...

Thanh Hải