Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất rau an toàn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:06, 17/12/2022
Hiệu quả từ sản xuất rau an toàn, hữu cơ
Là địa phương chăn nuôi lớn ở khu vực phía Bắc, hằng năm, thành phố Hà Nội tồn dư lượng lớn phân gia súc, gia cầm tại các trang trại chăn nuôi; và các loại phế phụ phẩm khác trong nông nghiệp như rơm, rạ, cỏ dại, lá rau, mùn cưa, tro, trấu… Đây là nguồn nguyên liệu phân hữu cơ, nếu tận dụng hiệu quả sẽ giúp cung ứng lượng lớn dinh dưỡng cho cây trồng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Hiện tại các vùng sản xuất rau màu của Hà Nội, thay vì sử dụng phân bón hóa học, nhiều nông dân đã và đang chuyển dịch sang sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, đa giá trị.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trung Na (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) Ngô Văn Nghị chia sẻ, từ khi chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ, hiệu quả kinh tế của xã viên tăng gần gấp đôi so với phương pháp truyền thống. Hiện, hợp tác xã canh tác khoảng 81ha rau an toàn, trong đó diện tích canh tác hữu cơ khoảng 3,5ha (chiếm 4,3%) với khoảng 23 nông dân tham gia, giá trị thu nhập cao, sản phẩm được liên kết tiêu thụ.
Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả an toàn Hồng Hà (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) Đồng Thị Vinh cho biết: “Vốn là nông dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng, luôn trăn trở khi thấy người tiêu dùng phải sử dụng các loại rau, quả không bảo đảm chất lượng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản, kích thích tăng trưởng, phân bón hóa học..., nên tôi quyết định kết hợp với một số người thành lập hợp tác xã chuyên trồng, cung cấp rau sạch theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP”.
Thông thường, trước khi gieo trồng, nông dân tiến hành cày ải đất rồi mua phân chuồng ủ vi sinh để cải tạo đất, sau đó tiến hành gieo trồng theo quy trình. Hiện việc sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ ở các hợp tác xã Hồng Hà, Trung Na hoàn toàn sử dụng phân bón sinh học, các hoạt động chăm sóc rau đều được ghi lại từ thời gian bón phân, phun thuốc, nhãn hiệu thuốc sử dụng, giống gieo trồng… Nguồn dinh dưỡng bổ sung cho cây trồng được các hợp tác xã và xã viên sử dụng từ các loại phân ủ thủ công.
Do canh tác hữu cơ nên côn trùng có hại cho cây trồng xuất hiện khá nhiều như bướm, sâu ăn lá, ruồi vàng... Do đó, để hạn chế sâu bệnh hại, các hợp tác xã triển khai nhiều giải pháp như: Trồng đan xen nhiều loại cây rau màu, trồng hoa, sử dụng bẫy côn trùng, màng phủ passlite, chế phẩm sinh học xua đuổi côn trùng hoặc trồng thêm gừng, ớt, tỏi để ngâm cùng rượu làm thuốc bảo vệ thực vật...
Tích cực hỗ trợ nông dân sản xuất an toàn
Để hỗ trợ nông dân canh tác hữu cơ, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trong canh tác rau an toàn, rau hữu cơ; tuyên truyền, vận động bà con canh tác đúng quy trình hữu cơ. Các trạm cũng phân công cán bộ phụ trách từng vùng sản xuất, điều tra mật độ sâu bệnh hại, kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh.
Nhằm bảo đảm sản xuất rau màu nói chung và cây trồng khác, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như kỹ thuật SRI, IPM, sản xuất hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả; tăng cường tập huấn, hướng dẫn, xây dựng các mô hình theo chuỗi tuần hoàn khép kín giữa trồng trọt với chăn nuôi, nhất là các vùng sản xuất hàng hóa; thực hiện các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất. Bên cạnh đó, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, các chế phẩm sinh học, từng bước “nói không” với phân bón hóa chất trong sản xuất, góp phần cải tạo đất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón tại các địa phương theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát tốt giá, chất lượng phân bón, vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đặc biệt đối với hành vi tự ý tăng giá, găm hàng, kinh doanh buôn bán phân bón giả, kém chất lượng hoặc kinh doanh các loại phân bón, vật tư nông nghiệp chưa được công nhận, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.