Hà Nội: Xác định 4 điểm đê điều trọng yếu trước mùa lũ 2016
Đời sống - Ngày đăng : 16:49, 10/05/2016
Cống Liên Mạc được xác định là một trong 4 điểm đê điều trọng yếu của TP |
Thông tin trên được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội nêu trong chiều 10/5 tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội.
Báo cáo về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn TP Hà Nội năm 2016, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai TP dự báo, năm 2016 bão và áp thấp nhiệt đới dự kiến nhiều hơn năm 2015 từ 1 đến 2 cơn và có khả năng xuất hiện bão mạnh, siêu bão.
Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung vào tháng 5, 6, 7 và có khả năng không kéo dài, không gay gắt như năm 2016.
Thời gian tới cũng có thể xuất hiện các trận mưa lớn, gây ngập úng trong nội thành và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khu vực ngoại thành.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và Công ty Thuỷ lợi tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ đập trên địa bàn TP; rà soát quy trình tích nước và vận hành, những hư hỏng, sự cố được chủ đầu tư tu sửa nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm 2016; xây dựng phương án phòng, chống úng ngập ngoại thành và bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2016.
Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão đã lập báo cáo hiện trạng công trình đê yếu trước lũ năm 2016. Trên cơ sở đó xác định 4 trọng điểm, 8 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm TP Hà Nội năm 2016.
Về 4 điểm trọng yếu về đê điều được xác định là Trạm bơm Yên Sở (Hoàng Mai); cống Liên Mạc (Từ Liêm); khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu; khu vực đê, kè Thanh Am - Tình Quan (Long Biên). Theo ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây, trên địa bàn TP có 8 điểm trọng yếu. Tuy nhiên, TP đã tập trung đầu tư, xoá được 4 trọng điểm. 4 trọng điểm còn tồn tại này nếu gặp mưa lớn sẽ gây nguy hiểm, xảy ra vỡ đê, ngập khu dân cư.
Về kế hoạch di dời 9 khu với 1.900 hộ dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ, ông Trung cho biết, quá trình thực hiện sẽ phải chờ TP rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch như Quy hoạch Đê điều, Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng (có liên quan đến bãi sông) để phù hợp với Quyết định số 275 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.