Bài 2: Cuộc sống vẫn sinh sôi
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:26, 10/05/2016
Chuyển cá từ hầm chứa tàu TTH 96095TS lên bờ. |
Duy trì sản xuất, hoạt động du lịch
Trưa nắng gắt. Bà Hoàng Thị Thương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thương Định (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới) vẫn đang cùng cô con dâu hì hụi sang chiết mắm cá. Từ đầu năm tới trước khi có tin cá biển chết, cơ sở sản xuất của bà đã muối được khoảng 40 tấn cá. Lượng nước mắm từ số cá này chỉ bán được đến tháng Mười âm lịch.
Mấy bữa nay, lượng nước mắm bán ra nhỉnh hơn tháng trước nhưng bà Thương chỉ tăng giá chút xíu, mỗi lít nước mắm có giá 60.000 đồng. Ông Định, chồng bà Thương, thủng thẳng nói: "Chừ bắt đầu mùa cá Nam, cá nổi như cá cơm và cá nục suôn là hai loại cá dùng để làm mắm chất lượng cao đang đi từ Nam ra Bắc. Chừ chắc là luồng cá đi đến khu vực Hoàng Sa rồi". Ông bà tin sẽ mua được cá sạch vì có anh con trai cũng đi tàu đánh bắt xa bờ có thể chỉ rõ được tàu nào là tàu đánh bắt ở vùng biển an toàn để ông bà yên tâm nhập cá về làm mắm.
Bảo Ninh có gần 400 tàu đánh bắt hải sản. Những tàu đánh bắt xa bờ vẫn hoạt động bình thường và sẽ được nhận giấy chứng nhận đánh bắt ở vùng biển an toàn để tiêu thụ hải sản. Còn hơn 200 tàu đánh bắt gần bờ phải nằm bờ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình. "Gạo hỗ trợ 15 cân mỗi khẩu đã được phát đến từng hộ dân, nhưng cũng buồn cho bà con lắm", ông Hoàng Kiên Cường, Phó Chủ tịch xã Bảo Ninh bùi ngùi.
Hiện nay, danh sách các tàu phải nằm bờ được nhận tiền hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tàu đang được niêm yết công khai để chờ ý kiến phản hồi của ngư dân. "Mấy bữa nữa, tiền hỗ trợ sẽ được phát tới từng tàu". Nỗi lo lắng cho ngư dân của ông Cường cũng là điều dễ hiểu khi mà Bảo Ninh đang có khoảng 30 tỷ đồng trong ngân sách được trích lại từ tiền thuế thu từ ngư dân.
Chiều xuống, bãi biển Đồng Hới vắng hơn những mùa du lịch trước nhưng vẫn nhiều người dạo biển và tắm. Bên bờ biển, một số nhóm bạn tụm lại ngồi ăn uống sau khi từ biển lên. Bên kia đường, các khách sạn thưa khách du lịch hơn mọi năm. Những năm trước, biển Nhật Lệ rất đông khách du lịch đi dạo và tắm biển.
Làm dịch vụ tại bãi biển Nhật Lệ 1 từ gần chục năm nay, ông Trịnh Văn Hậu nói: Tôi tin họ sẽ về lại với biển Quảng Bình, để biển nơi đây được nhộn nhịp như trước. Qua đây, cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân để du khách yên tâm hơn.
Trong khi đó, UBND tỉnh lập các tổ liên ngành xác định hải sản đánh bắt về có an toàn hay không rồi đưa vào bán ở 7 điểm bán cá sạch trên toàn tỉnh.
Tại Thuận An, chiều muộn mùng một tháng Tư âm lịch, anh Nguyễn Văn Hóa, chủ tàu thu mua số TTH 96095TS ngồi điều khiển ròng rọc để giúp các bạn chài trên tàu múc cá từ hầm tàu đưa lên bờ cho người thu mua.
Tàu của anh Hóa được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ nên anh nhận hỗ trợ vay vốn tới 70% chi phí. Nhưng chuyến đi biển này anh chỉ thu mua được khoảng 10 tấn cá nục suôn và gom cá của mấy tàu Quảng Bình đang đánh bắt ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. "Mấy bữa ni cuối tháng, con nước kém nên các tàu đánh được ít", anh Hóa giải thích, "nếu cứ chạy vô bờ để bán cá thì lỗ nặng". Những tàu thu mua cá giống của anh Hóa sẽ giúp các tàu đánh bắt xa bờ có thể an tâm bám biển đến khi nào chuyến đi biển có lãi.
Chị Lê Thị Thủy, chủ cơ sở kinh doanh hải sản Chính Thủy, người thu mua cá của anh Hóa cho biết, cả ngày 7-5, có 10 chuyến tàu cập cảng cá Thuận An. "Khoảng 7h tối, sẽ có một chuyến nữa về cảng", chị Thủy cho biết, "và tui cũng thu mua hết để xuất đi các tỉnh khác".
Tại siêu thị Co.opmart Huế, bên cạnh chợ Đông Ba, anh Lê Diên Nơ, nhân viên maketting của siêu thị phấn khởi khoe, những ngày qua lượng cá sạch siêu thị tiêu thụ được ổn định. Để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, sáng 2-5 vừa qua, Sở Công thương Thừa Thiên - Huế đã tổ chức điểm bán cá sạch tại siêu thị Co.opmart Huế, 0,5 tấn cá đã bán hết trong vài giờ đồng hồ. Theo Chi cục Thủy sản Thừa Thiên - Huế, 30 giấy chứng nhận hải sản sạch đã được cấp cho 30 tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn. Các loại cá do ngư dân đánh bắt đều được chứng nhận hải sản sạch bằng cách cung cấp các tọa độ vùng biển sạch cho ngư dân khai thác hải sản. Khi vào bờ, cả tàu và cá đều được kiểm tra, kiểm nghiệm trước khi xuất bán. Theo đó, hơn 200 tấn cá do tàu của ngư dân đánh bắt xa bờ đã được thương lái, siêu thị thu mua hết trong 3 ngày vận động ngư dân vươn khơi bám biển.
Một cán bộ nữ của Chi cục Thủy sản Thừa thiên - Huế ra cảng lấy thông tin để đưa về kiểm tra xem tàu của anh Hóa có thu mua ở vùng biển an toàn hay không. Nếu đúng tàu thu mua cá ở vùng biển an toàn, anh Hóa sẽ được nhận giấy chứng nhận nguồn gốc hải sản đánh bắt an toàn. Nếu không có giấy xác nhận, lô cá này sẽ không được mang đi tiêu thụ. Điểm xác nhận nguồn gốc hải sản an toàn tại cảng luôn có người túc trực 24/24 giờ.
Niềm tin vững chắc
Ngoài những biện pháp tăng sức mua, quản chất lượng, hỗ trợ cho những tàu cá nằm bờ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế còn mở cửa đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long (ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) để đẩy độc. Từ 14h chiều 3-5, Công ty TNHH Quản lý và khai thác các công trình thủy lợi đã mở 3 cửa để xả nước ngọt từ Sông Hương vào phá Tam Giang nhằm đẩy độc tố cứu cá lồng ở cửa Thuận An. Sau 4 ngày mở cửa đập, tổng lưu lượng xả khoảng 20 triệu mét khối nước ngọt.
Là người gắn bó nhiều năm với đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long, ông Lê Văn Thân, Tổ trưởng Tổ quản lý vận hành công trình khẳng định: "Đây là lần đầu tiên cửa đập được mở với mục đích xả nước ngọt để đẩy độc cứu cá". Theo số liệu quan trắc, sau 4 ngày xả nước ngọt, độ mặn bên ngoài đập đã giảm hơn 50% so với trước khi xả. Đến ngày 7-5, hiện tượng cá chết ở những lồng bè thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An) đã dừng lại. Trong vùng phá Tam Giang, những con cá lờ đờ cũng đã khỏe trở lại. Độ mặn ở đây từ 30/1000 giảm xuống còn 20/1000 vẫn ở ngưỡng không gây ngọt hóa môi trường vùng phá.
*
* *
Rạng sáng tinh mơ, Thuyền trưởng Vũ Văn Hóa lại nổ máy đưa tàu ra khơi, như biết bao con tàu khác ở dọc khúc ruột miền Trung thân thương. Bởi vì ở ngoài khơi, đang có nhiều tàu đánh bắt xa bờ mong những chuyến tàu giống của anh Hóa ra thu mua cá sạch để đưa về bờ tiêu thụ. Tất cả đều vững chắc một niềm tin rằng dẫu trải qua nhiều thử thách, khó khăn, nhịp sống vẫn đang từng ngày, từng giờ sinh sôi…