Bài 1: Điều chỉnh từ thực tế
Kinh tế - Ngày đăng : 06:47, 09/05/2016
Chăm sóc rau sạch tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh).Ảnh: Khánh Nguyên |
Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận sản xuất RAT đủ điều kiện còn rườm rà, chi phí cao, nên nhiều hộ dân không mặn mà. Vậy đâu là giải pháp?
Trong quá trình sản xuất RAT, nông dân gặp nhiều khó khăn: Giống rau đa phần phải nhập khẩu hoặc nông dân tự sản xuất theo hướng tự phát, nên chất lượng không cao. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng RAT thiếu đồng bộ, chắp vá, nơi có nhà sơ chế nhưng không hoạt động. Chưa kể phí và thủ tục… Rất nhiều bất cập từ thực tế cần được sớm điều chỉnh.
Nhiều bất cập trong sản xuất
Theo bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT), diện tích canh tác RAT của Hà Nội là 13.930ha, vùng sản xuất tập trung mới là 6.602ha gồm 151 vùng, trong đó đã có 5.500ha RAT. Tuy nhiên, nguồn giống rau phụ thuộc rất nhiều nhập khẩu và không kiểm soát được chất lượng. Ở một số nơi nông dân tự sản xuất giống và mang ra chợ bán, chất lượng không bảo đảm làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cây rau. Chị Nguyễn Thị Lan, hộ trồng RAT ở xã Vân Nội (Đông Anh) cho biết, có thời điểm giống rau sốt, giá cao nên để giảm chi phí nhiều hộ ra chợ mua giống về trồng nhưng sản lượng thấp hơn 10% so với các giống nhập khẩu.
Việc đầu tư phát triển hạ tầng cho các vùng rau hiện còn nhiều bất cập. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội hiện toàn thành phố có 8 cơ sở sơ chế RAT gắn với vùng sản xuất tập trung với công suất 3-7 tấn/ngày; 42 cơ sở sơ chế nhỏ của các HTX, doanh nghiệp (DN) công suất 200 - 1.000kg/ngày. Tuy nhiên do lượng tiêu thụ RAT còn rất ít nên hầu hết các nhà sơ chế RAT đều rơi vào tình trạng bỏ hoang. Đơn cử như khu nhà sơ chế RAT của HTX RAT xã Thụy Hương (Chương Mỹ) ở Thôn Đồng được đầu tư theo chương trình xây dựng NTM đã hơn 4 năm nhưng do nông dân không tiêu thụ được sản phẩm, không mặn mà với RAT nên nhà sơ chế cùng nhiều hạng mục như đường ống nước bị mục, hỏng, vỡ, gãy… không hoạt động được. Hiện DN Thiên Trường đã vào tiếp nhận vùng dự án nhưng đa phần phải đầu tư lại hạ tầng ban đầu nên rất khó khăn.
Nhiều tiêu chí thiếu thực tế
Hà Nội đã cấp 184 giấy chứng nhận "Đủ điều kiện sản xuất RAT" với tổng diện tích 4.500ha và hơn 40 cơ sở được cấp giấy chứng nhận "cơ sở sơ chế RAT". Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh RAT triển khai rất chậm do các cơ sở sản xuất đa phần nhỏ lẻ, phân tán khó quản lý. Trong khi đó, Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi đòi hỏi rất nhiều giấy tờ liên quan nhưng đa phần người dân không xuất trình được... Có những thứ người nông dân không thực hiện do nếp sản xuất cũ đã hằn sâu. Ví dụ việc ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng để được cấp Giấy chứng nhận VietGAP.
Chị Nguyễn Thị Minh ở quận Long Biên, say mê với mô hình RAT được trồng từ sơ dừa, chị tự tin với quy trình sản xuất VietGAP của mình và muốn được cơ quan chức năng hướng dẫn quy trình chứng nhận sản phẩm VietGAP để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, khi lên phòng kinh tế quận thì được giới thiệu sang phòng y tế, sang y tế lại được giới thiệu về chuyên ngành nông nghiệp... Cùng chung cảnh ngộ này, ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan xã Duyên Hà (Thanh Trì) cho biết: Hiện có 20ha rau đạt chuẩn VietGAP của HTX đã sắp hết thời hạn, HTX đang loay hoay hoàn thiện thủ tục liên quan để được cấp lại giấy chứng nhận sản phẩm an toàn bởi nếu không hoàn thiện thủ tục này thì các đơn vị đang tiêu thụ RAT của Đại Lan sẽ ngừng thu mua. Trong khi kinh phí đầu tư quá lớn, giờ gánh thêm các chi phí này là quá nặng với HTX.
Những năm qua, thành phố đã hỗ trợ việc chứng nhận các vùng rau đủ điều kiện sản xuất an toàn. Ảnh: Bá Hoạt |
Không chỉ nhiều thủ tục phiền hà, theo ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nhiều tiêu chí trong quy trình VietGAP rất phức tạp, khó áp dụng ngoài thực tế, kinh phí chứng nhận cao, khoảng 30-60 triệu đồng/ha nhưng không được Nhà nước hỗ trợ tái chứng nhận nên việc duy trì, phát triển sản xuất theo VietGAP còn rất hạn chế. Theo ông Lê Hồng Minh, Phó Giám đốc HTX RAT Lĩnh Nam quận Hoàng Mai, chi phí để đạt chứng nhận VietGAP cho một vùng sản xuất (gồm chi phí tập huấn nông dân, lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích…) mất từ 20 đến 60 triệu đồng. HTX sản xuất, kinh doanh RAT cả năm chỉ lãi vài chục triệu đồng, nếu gánh thêm các chi phí này thì rất khó khăn.
Bà Lưu Thị Hằng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản (Chi cục BVTV Hà Nội) cho biết: Trong những năm qua, việc chứng nhận các vùng rau đủ điều kiện sản xuất an toàn và chứng nhận VietGAP đều được thành phố hỗ trợ. Từ nay đến năm 2017, rất nhiều HTX được chứng nhận đã hết thời hạn, phải hoàn thiện các thủ tục từ đầu để được cấp lại theo quy định. Mặc dù Bộ NN&PTNT và thành phố đã hướng dẫn và phân cấp quản lý rõ ràng, nhưng các huyện, quận, thị xã và các HTX đều tỏ ra lúng túng, bởi thực tế việc phân tích, lấy mẫu kiểm nghiệm.., cấp huyện, quận, thị xã không đủ nhân lực để thực hiện. Từ đó dẫn tới tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa HTX, huyện và ngành nông nghiệp. Quả bóng lăn đi, lăn lại, khiến nhiều HTX, DN gặp khó khăn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Sửa đổi thủ tục phù hợp với thực tế sản xuất Qua phản ánh của các địa phương, nông dân còn kêu phí và thủ tục cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn phức tạp, đề nghị Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tập trung nghiên cứu, điều chỉnh những quy định về phí và các thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận an toàn trong thời gian sớm nhất để Bộ trình Chính phủ có những sửa đổi phù hợp với thực tế sản xuất ở địa phương, bảo đảm quyền lợi cho nông dân… |