"Mở" cơ chế để thu hút đầu tư xây dựng các điểm đỗ xe

Xã hội - Ngày đăng : 07:13, 08/05/2016

(HNM) - Xã hội hóa các dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe là bước đi tất yếu nhằm giải quyết hiệu quả

Ông Phạm Văn Đức.


Đây là quan điểm của ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Transerco) khẳng định tại buổi trao đổi với Báo Hànộimới xung quanh một trong những vấn đề "nóng" của phát triển đô thị hiện nay.

Tận dụng mọi nơi có thể để đỗ xe

- Điễm đỗ xe đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những vấn đề “nóng” của Thủ đô. Thực tế của hiện trạng này ra sao, thưa ông?

- Giao thông tĩnh thời gian qua luôn là vấn đề bức xúc trong công tác quản lý đô thị của Hà Nội. Đặc biệt, trong bối cảnh tốc độ gia tăng phương tiện giao thông rất nhanh như hiện nay. Thống kê mới nhất cho thấy, toàn thành phố hiện có gần 600.000 ô tô và gần 5 triệu xe máy, xe đạp điện… Đó là còn chưa kể xe của các lực lượng vũ trang và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn; xe ngoại tỉnh thường xuyên ra vào thành phố. Tất cả đang tạo sức ép khiến hạ tầng giao thông Thủ đô quá tải và quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu đỗ gửi xe. Nhu cầu lớn trong khi quỹ đất còn hạn chế dẫn tới thực trạng là phải tận dụng mọi nơi, mọi chỗ để đỗ xe, từ khuôn viên các cơ quan, trường học, cho đến lòng đường, vỉa hè… Thậm chí nhiều đơn vị chủ quản các khu đất trống đang chờ dự án cũng tận dụng để làm các điểm trông giữ phương tiện.

- Nhiều năm trước đây, chúng ta từng có cả một bản quy hoạch về phát triển giao thông tĩnh với những tính toán lâu dài đến năm 2020. Đến nay, tiến độ thực hiện quy hoạch đó ra sao?

- Từ năm 2003, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 165/QĐ-UB quy hoạch phát triển mạng lưới điểm đỗ xe tầm nhìn đến năm 2020. Song vì nhiều lý do, đến nay quy hoạch này hầu như không thể triển khai thực hiện được, trong đó nguyên nhân chính do vướng quỹ đất và cơ chế khuyến khích đầu tư. Năm 2008, do địa giới hành chính Thủ đô mở rộng, một số vị trí dự kiến làm điểm đỗ xe nằm trong quy hoạch đã thay đổi mục đích sử dụng đất dẫn tới quy hoạch này không còn phù hợp. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh nằm trong Quy hoạch GT-VT Thủ đô vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn chỉnh để thay thế Quyết định 165/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội.

Dự án thí điểm đang phát huy hiệu quả


- Là đơn vị tiên phong của thành phố thực hiện các dự án thí điểm xây dựng các điểm đỗ xe cao tầng, xin ông có những đánh giá cụ thể về mô hình mới này?

- Tổng công ty Vận tải Hà Nội mà trực tiếp là Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được UBND thành phố giao thí điểm triển khai 2 dự án bãi đỗ xe cao tầng tại phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) và Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình). Cuối tháng 4-2015, giàn thép tại phố Trần Nhật Duật cao 4 tầng theo công nghệ Nhật Bản được đưa vào khai thác, đáp ứng chỗ đỗ cho 91 xe ô tô. Cuối tháng 1-2016, giàn thép đỗ xe cao tầng tại phố Nguyễn Công Hoan theo công nghệ Hàn Quốc, đáp ứng chỗ đỗ cho 221 ô tô cũng được đưa vào khai thác. Rất nhanh chóng, các dự án này đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao. Trong đó, dự án tại phố Trần Nhật Duật đã lấp đầy được trên 90% công suất thiết kế. Dự án tại phố Nguyễn Công Hoan tuy mới trong giai đoạn vận hành chạy thử cũng đã lấp đầy được khoảng 40%.

Việc sớm đưa các dự án vào khai thác góp phần hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh của thành phố; khai thác hiệu quả quỹ đất và từng bước giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân tại khu vực quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, bởi với cùng một diện tích đất nhưng lại tăng số chỗ đỗ gấp 4 lần. Hơn thế, công trình còn là một điểm nhấn về giao thông đô thị của Thủ đô theo hướng văn minh, an toàn hơn. Vừa qua, đã có nhiều cơ quan, doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh đến tham quan, học hỏi mô hình giàn thép đỗ xe cao tầng của Hà Nội để về nghiên cứu triển khai tại địa phương.

- Hiệu quả dự án thí điểm đã rõ, Công ty có tính tới phương án nhân rộng mô hình này?


- Qua quá trình thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đang tích cực phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước giải mã công nghệ nhằm đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa để hạ giá thành đầu tư. Từ mô hình này, chúng tôi đang đề xuất với thành phố cho phép tiếp tục triển khai bãi đỗ xe cao tầng tại các khu đất do Công ty đang quản lý, khai thác. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.

Xã hội hóa là tất yếu

- Ông nhận định thế nào về chủ trương xã hội hóa mạng lưới bãi đỗ xe của Hà Nội và tại sao đến nay vẫn có quá ít NĐT tham gia?

- Tôi cho rằng, xã hội hóa kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bãi đỗ xe là hướng đi tất yếu, nhưng để thực sự khuyến khích các NĐT tham gia lại đòi hỏi phải tháo gỡ nhiều rào cản. Thành phố cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để công bố rộng rãi danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Quan trọng hơn là phải tạo các cơ chế khuyến khích đầu tư cụ thể, minh bạch. 

Thứ nhất: Phải có quỹ đất sạch để bàn giao cho NĐT và có cơ chế miễn giảm tiền thuê đất hàng năm. Thứ hai: Ưu tiên cho NĐT sử dụng các nguồn vay ưu đãi để đầu tư giống như đối với các công trình an sinh xã hội như xây dựng trường học, bệnh viện… Hiện các dự án đầu tư bãi đỗ xe không nằm trong danh mục công trình được ưu tiên. Trong khi đó, NĐT nếu vay vốn thương mại thì sẽ khó kham nổi. Thứ ba: Phải có chính sách chuyển cơ chế thu phí trông giữ phương tiện hiện nay sang giá dịch vụ thì mới có thể hấp dẫn được các NĐT trong và ngoài nước.

Một điểm nữa, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn một cách cụ thể cho các dự án điểm, bãi đỗ xe để các NĐT thực hiện. Muốn hạ giá thành, không gì khác là phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Nhưng chúng ta lại đang thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn, việc này gây khó khăn cho NĐT, đơn vị tư vấn cũng như các cơ quan tham mưu của thành phố khi góp ý về đầu tư xây dựng dự án.

Chúng tôi vẫn nói đầu tư xây dựng các điểm đỗ xe là lĩnh vực “bỏ tiền chẵn để thu tiền lẻ”. Sẽ khó có NĐT nào chấp nhận bỏ vốn để tới 40-50 năm sau mới có thể hoàn vốn đầu tư sau đó mới bắt đầu sinh lãi, thay vào đó họ sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực khác. Nếu “mở” được cơ chế chính sách, tôi tin rằng sẽ có nhiều NĐT sẵn sàng tham gia, bởi thực tế đã có nhiều NĐT trong, ngoài nước đến Hà Nội tìm hiểu và đều đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng chính vì vướng cơ chế chính sách nên họ chưa tham gia.

- Ông vừa nói Nhà nước phải có chính sách chuyển cơ chế thu phí trông giữ phương tiện hiện nay sang giá dịch vụ mới hấp dẫn NĐT, như vậy liệu giá có bị thả nổi?

- Đúng là đã có những lo ngại nếu chuyển thành giá sẽ vượt sức chịu đựng của người dân. Tuy nhiên, dù NĐT xây dựng và trình mức giá là bao nhiêu thì vẫn phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Tức là Nhà nước trên cơ sở suất đầu tư của dự án sẽ quyết định mức giá trần NĐT được phép thu là bao nhiêu chứ không thể có sự thả nổi. Với từng dự án cụ thể, Nhà nước cũng nên xem xét cho phép triển khai các hạng mục phụ trợ cho bến, điểm đỗ xe như ga ra sửa chữa, điểm rửa xe, thay dầu mỡ, xăng dầu… phù hợp với quy mô công trình. Những hạng mục phụ trợ này không chỉ đem lại lợi ích cho NĐT mà còn tạo thuận lợi cho chính các chủ phương tiện gửi xe. Chủ phương tiện về bãi đỗ có thể thoải mái nghỉ ngơi, đợi rửa xe, thay dầu, đổ xăng… thay vì lại vòng vèo xe ngoài phố để tìm các điểm dịch vụ vừa gây ùn tắc giao thông, lại tốn kém chi phí. Ngoài trông giữ xe, NĐT được thu lợi từ các hạng mục phụ trợ này.

Bên cạnh việc khuyến khích các NĐT tham gia xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch, chính quyền cần giải tỏa các điểm trông giữ xe tự phát không có sự quản lý của Nhà nước. Sẽ rất khó cho NĐT nếu bỏ vốn đầu tư làm bãi đỗ xe ngầm, nổi phục vụ cộng đồng và thu phí theo quy định nhưng ngay gần đó vẫn tồn tại các điểm trông giữ xe không có giấy phép và thu với mức giá còn thấp hơn cả mức thu quy định. Sự cạnh tranh không lành mạnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tin tưởng của NĐT.

- Để nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng đỗ xe, ngoài “mở” về cơ chế như đã nói ở trên, nếu đứng trên góc độ NĐT, ông còn muốn kiến nghị gì thêm?

- Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/NĐ-CP trong đó quy định các tuyến phố, tuyến đường có mặt cắt bao nhiêu thì được tổ chức trông giữ phương tiện. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng thành phố sớm rà soát, công khai danh mục từng tuyến phố, khu vực để các NĐT, người dân biết và thực hiện. Đối với các bến đỗ xe hiện có, cần nghiên cứu đầu tư để nâng cao sức chứa.

Ngoài ra, hiện thành phố đang khẩn trương triển khai các tuyến đường sắt đô thị, theo tôi tại các nhà ga cũng cần nghiên cứu các điểm đỗ xe ngầm, nổi để kết nối với hệ thống giao thông công cộng; tổ chức các hội thảo kêu gọi đầu tư. Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, NĐT để điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp. Thậm chí, có thể nghiên cứu đầu tư các dự án xây dựng bãi đỗ xe theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). NĐT bỏ vốn đầu tư bãi đỗ xe sẽ được thành phố cấp đất tại khu vực khác để phát triển thương mại thu hồi vốn. Tóm lại, phát triển được hệ thống giao thông tĩnh thì sẽ từng bước giảm dần được trông giữ phương tiện trên vỉa hè, lòng đường, dần dần trả lại vỉa hè cho người đi bộ, lòng đường cho phương tiện lưu thông.

- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tuấn Lương