Giải đáp những khúc mắc giúp tiêu thụ hải sản đánh bắt an toàn

Đời sống - Ngày đăng : 10:50, 07/05/2016

Sau hàng loạt những biến cố của thị trường bắt nguồn từ vụ cá và thủy hải sản chết hàng loạt tại khu vực biển miền Trung, Bộ Công Thương đã lập đường dây nóng để hỗ trợ ngư dân trong việc thu mua và tiêu thụ thủy hải sản.

Thương lái thu mua cá tại Cảng cá Cửa Tùng. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)


Tuy nhiên, để thị trường đi vào ổn định và theo đúng quỹ đạo như trước đây vẫn cần nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhằm giải những khúc mắc giúp ngư dân trong vùng và doanh nghiệp yên tâm đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm an toàn.

- Thời gian qua, Chính phủ đã vào cuộc để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiêu thụ cá đánh bắt ở những vùng biển an toàn cho người dân. Về phía Bộ Công Thương đã triển khai như thế nào và kết quả ra sao thưa ông?

Ông Võ Văn Quyền: Ngay từ ngày 29/4, Bộ Công Thương đã tháp tùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào các tỉnh có sự cố nghiêm trọng về môi trường dẫn đến cá và hải sản chết bất thường; đồng thời cùng với các địa phương từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế thành lập tổ công tác.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thì ngay trong ngày 30/4, Bộ Công Thương đã lập đường dây nóng để hỗ trợ ngư dân, các tổ chức thu mua trên địa bàn tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ có xác nhận an toàn thực phẩm.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu chính quyền địa phương với các lực lượng như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Nguồn lợi thủy sản, Quản lý thị trường tổ chức và quản lý các điểm thu mua hải sản, đánh bắt xa bờ. Theo đó, chỉ đạo các thương nhân sản xuất chế biến kinh doanh thu mua và phân phối trên địa bàn cũng như toàn quốc với sự tham gia rất tích cực của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Saigon Co.op, sau đó có thêm Big C. Đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xác nhận ngay tại các điểm thu mua để xác nhận các hải sản đánh bắt xa bờ an toàn, từ đó tổ chức tốt trật tự.

Ngoài ra, Bộ còn chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường và cơ quan chức năng kiểm tra kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh tiêu thụ hải sản chết bất thường trong khu vực. Trước đó, việc thu mua gần như bị đình trệ và vì vậy việc tiêu thụ gần như cũng hạn chế. Tuy nhiên, sau những hoạt động từ ngày 29/4 đến nay thì có thể thấy rằng lượng hải sản đánh bắt xa bờ được xác nhận an toàn thực phẩm của khu vực này đánh bắt về đã được tổ chức tiêu thụ tốt và tiêu thụ hết.

Chẳng hạn như tại tỉnh Quảng Bình từ ngày 29/4 đến 5/5 đã tiêu thụ gần 200 tấn cá và thủy hải sản và tại Hà Tĩnh cũng đã tiêu thụ hơn 170 tấn. Đây là hai địa bàn trọng điểm và thiệt hại nặng nề, còn tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị thì các tàu đánh bắt xa bờ với lượng hải sản đánh bắt về đều được tiêu thụ hết trong ngày. Riêng với giá thì đến nay đã dần thiết lập lại gần bằng so với trước sự cố xảy ra từ ngày 6/4.

- Từ khi Bộ Công Thương công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ ngư dân tiêu thụ thủy hải sản thì đến thời điểm này thực tế triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Võ Văn Quyền: Ngay sau khi được sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng thì lập tức đường dây nóng đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của các tổ chức cá nhân, ngư dân từ các tàu đánh bắt xa bờ cho đến các tổ chức thu mua và các hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, có rất nhiều câu hỏi đa dạng như điểm thu mua sẽ tổ chức ở đâu? Ai là người xác nhận điểm an toàn?

Thậm chí có người hiến kế cần kêu gọi một cuộc tuyên truyền vận động cả nước hãy vì miền Trung tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ được chứng nhận nguồn gốc xuất xứ an toàn và coi đó là hành động hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt, sau khi xử lý được việc tiêu thụ cũng có rất nhiều cuộc điện thoại gọi tới động viên, cảm ơn đường dây nóng của Bộ Công Thương.

Như vậy, đường dây nóng đã bước đầu nhận được các thông tin và xử lý kịp thời hoặc chuyển tới các đơn vị chức năng có liên quan để xử lý kịp thời, từ đó tạo ra liên thông về thông tin và qua đó tạo ra sự tin tưởng về công khai các điểm đánh bắt tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ.

- Trong thời gian tới, để ổn định việc tiêu thụ lâu dài cho ngư dân, theo ông, Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp trọng tâm gì?

Ông Võ Văn Quyền: Triển khai Công điện cũng như Chỉ thị của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc đến các Sở Công Thương khu vực thiệt hại từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế và các Sở Công Thương trong vùng duyên hải miền Trung cũng như Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong toàn quốc và các Hiệp hội như Vasep hay Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp phân phối lớn.... Trong đó có một số giải pháp đề nghị các địa phương này thành lập các đường dây nóng hỗ trợ bởi thị trường đang dần khôi phục và muốn có tín hiệu phục hồi thì phải xử lý hàng loạt các giải pháp.

Do vậy, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì đường dây nóng để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đánh bắt, chế biến và tiêu thụ thủy hải sản đánh bắt xa bờ được xác nhận an toàn. Cùng với đó, tăng cường kết nối từ điểm thu mua qua chế biến và phân phối cũng như phối hợp với các ban, ngành động viên, chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn phân phối tiêu thụ các sản phẩm thủy hải sản đánh bắt xa bờ được xác nhận nguồn gốc xuất xứ, an toàn.

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn công bố công khai các điểm tiêu thụ cá sạch, thủy hải sản sạch. Đặc biệt, tuyên truyền tới người dân trên địa bàn về sự trở lại của thủy hải sản an toàn và sự bình thường của thị trường để tăng tiêu thụ.

Điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm cho thị trường tiêu thụ phục hồi từ đó mới khiến việc đánh bắt trở lại bình thường. Vì vậy, cần phải có cơ sở đánh giá, kết nối để có tín hiệu điều phối lượng tàu đánh bắt cũng như lượng tàu cập bến phù hợp với dung lượng thị trường, tránh bị tồn đọng quá nhiều hoặc làm cho giá cả và lưu thông gặp khó khăn.

Trong lúc thị trường chưa trở lại bình thường, tôi cho rằng phải có những chính sách hỗ trợ về lãi suất vay hay lãi suất cấp đông, trữ lạnh hoặc hỗ trợ trong trường hợp tiêu thụ gặp khó khăn khi thị trường chưa được xác lập lại. Sau này khi các tín hiệu thị trường trở lại bình thường thì Nhà nước dần dần sẽ giảm bớt các hỗ trợ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./. 

Theo Việt Nam plus