Xây dựng văn hóa ứng xử ở Hà Nội: Thiết thực và khả thi
Văn hóa - Ngày đăng : 08:27, 07/05/2016
Văn hóa ứng xử cần được chú trọng xây dựng ngay từ học đường. Ảnh: Thái Hiền |
Nhiều địa phương đã xây dựng và điều chỉnh QTƯX cho phù hợp với tình hình mới, đem lại hiệu quả rõ rệt, thiết thực và khả thi.
Xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình
Dù không thành văn bản, nhưng từ xưa đến nay, QTƯX trong các mối quan hệ gia đình của người Hà Nội vẫn luôn được duy trì và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đọc hồi ký, nhật ký của nhiều người, như GS Mai Phương, GS Dương Quảng Hàm, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…, có thể thấy rõ điều này. Chẳng hạn, GS Dương Quảng Hàm luôn chú ý giáo dục con cháu sống lễ phép (chào hỏi, thưa gửi, mời cha mẹ uống nước, ăn cơm…), ngoan ngoãn, thật thà, chú ý giữ vệ sinh. Các con của ông đều thành đạt, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.
Ngày nay, việc dạy dỗ, bảo ban con cháu sống và ứng xử văn hóa, văn minh vẫn được đa số gia đình ở Hà Nội quan tâm. Là một trong 3 gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liên tục của Hà Nội, được Bộ VH,TT&DL tuyên dương, bà Đỗ Kim Dung, xã Minh Khai (Hoài Đức) cho biết, điều khiến các thành viên trong gia đình bà cảm thấy hài lòng nhất không phải là điều kiện kinh tế ổn định mà là đời sống tinh thần phong phú, các thành viên trong gia đình tôn trọng lẫn nhau.
Theo bà Dung, QTƯX trong gia đình đơn giản là khi chồng nóng thì vợ bớt lời, khi cha mẹ già ốm đau, bệnh tật thì con cháu quan tâm, động viên, chăm sóc. Khi con cháu gặp chuyện buồn hay có những lời nói, việc làm không vừa ý, thay vì mắng mỏ, đánh chửi, người lớn phân tích cho con cháu nhận ra những điểm hạn chế của mình để mà khắc phục. Con cháu trong gia đình bà, nhờ đó, luôn đối xử với ông bà, cha mẹ bằng tấm lòng hiếu kính, ứng xử với hàng xóm, xã hội bằng thái độ hòa nhã, lịch sự.
Phòng ngừa những yếu tố tiêu cực xâm nhập vào gia đình, ông Vũ Hồng Quân, xã Thanh Liệt (Thanh Trì) đã tạo ra những "ngày hội" gia đình để con cháu vui vầy, sum họp. "Ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tết hoặc bất kỳ khi nào có điều kiện, các thành viên trong gia đình tập hợp đông đủ, vừa làm mâm cơm gắn kết tình cảm gia đình, vừa trao đổi với nhau chuyện chung, chuyện riêng, ai gặp khó khăn, vướng mắc gì, các thành viên còn lại trở thành "chuyên gia" tư vấn. Quan trọng hơn, những buổi sum họp giúp các thành viên trẻ tuổi được sống trong bầu không khí gia đình ấm áp yêu thương", ông Quân nói.
Ngoài những gia đình tiêu biểu kể trên, mỗi năm Hà Nội có hơn 90% số hộ đăng ký xây dựng và phấn đấu đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa. Đó chính là con số "biết nói", cho thấy mỗi người, mỗi gia đình ở Hà Nội luôn hướng thiện, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Chủ động điều chỉnh quy ước cộng đồng
Khi chưa có QTƯX chung, mỗi thôn xóm, tổ dân phố, làng xã ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội đã chủ động điều chỉnh quy ước, hương ước cho phù hợp với tình hình mới.
Tại huyện Mê Linh, 100% số thôn, tổ dân phố hoàn thành việc xây dựng quy ước mới từ năm 2014. Nội dung quy ước liên quan đến việc xây dựng nếp sống mới đều có sự kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và được điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành. Chẳng hạn, mục 2, chương 4 của Quy ước thôn Phú Mỹ (xã Tự Lập) quy định: Trong tiệc cưới chỉ mời cơm trong gia đình thân tộc, bạn bè và đồng nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng gia đình; không bày thuốc lá, không mở nhạc trước 6h và sau 22h. Điều 7, Quy ước thôn Kim Tiền (xã Kim Hoa) yêu cầu các gia đình có người mất mai táng người quá cố theo sự sắp xếp của ban quản lý nghĩa trang hoặc chính quyền, khuyến khích hỏa táng.
Ở huyện Thanh Trì, nhân dân thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai đã bổ sung những quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội vào quy ước mới. Nhờ đó, hiện nay, số lượng mâm cỗ trong đám cưới ở Nhân Hòa đã giảm đáng kể, thậm chí, một số gia đình tổ chức cưới cho con cháu bằng tiệc ngọt, tiệc trà. Mừng hơn, QTƯX theo Quy ước xây dựng phường văn hóa ở Quảng An (Tây Hồ) được cả người Việt và hàng nghìn người nước ngoài cư trú trên địa bàn phường Quảng An đồng lòng thực hiện.
Chị Nguyễn Thị Hà, trú tại đường Đặng Thai Mai, phường Quảng An cho biết: "Thấy những quy định đó có lợi cho mình và cho cộng đồng, đương nhiên chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện". Còn anh Patrice Gautier (người Pháp) nói: "Tôi rất thích sống ở Quảng An. Ở đây có những quy định hết sức văn minh, chúng tôi không có lý do gì để không cùng với người dân địa phương thực hiện".
Thực tế chứng minh rằng, việc thực hiện quy ước văn hóa có tác dụng tích cực đối với công tác quản lý xã hội, góp phần điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế ở các địa phương. Đơn cử như Hương ước làng Yên Sở, xã Yên Sở (Hoài Đức), gồm 6 chương, 63 điều, nhấn mạnh đến nội dung ứng xử có văn hóa giữa con người với con người, với môi trường tự nhiên, xã hội…, là nhân tố quan trọng đưa Yên Sở trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô.
Nếp sống văn minh đô thị ở quận Hoàn Kiếm cũng đã có sự đổi thay tích cực kể từ khi triển khai đề án "Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ". TS Lê Trung Kiên, Ban Lý luận văn hóa và mỹ học, Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tin tưởng rằng, bộ QTƯX nhằm định hướng hành vi ứng xử chuẩn mực, sẽ trở thành "hương ước" chung của người Hà Nội.