Định hình cuộc đua tới Nhà Trắng

Thế giới - Ngày đăng : 07:58, 07/05/2016

(HNM) - Con đường vào Nhà Trắng đang vô cùng thuận lợi cho tỷ phú Donald Trump khi Thống đốc bang Ohio John Kasich đã rút khỏi cuộc đua trở thành ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Tỷ phú Donald Trump cùng vợ, con và những người ủng hộ mừng chiến thắng, tại bang Indiana.


Cùng với chiến thắng thứ bảy liên tiếp trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa (mới đây nhất là cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Indiana), ông Trump đến thời điểm này trở thành ứng viên mặc định duy nhất của đảng này.

Với khẩu hiệu đơn giản "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", nhà tài phiệt giàu có đã khơi gợi được cảm hứng từ những cử tri Mỹ cho dù những ý tưởng, phát ngôn mà ông đưa ra đều gây sốc và có cảm giác xa rời thực tế. Các nhà phân tích cho rằng, tỷ phú Trump đã "bẻ cong" đảng Cộng hòa bằng các bài phát biểu, diễn thuyết không ngớt của mình, cũng như cách mà ông này lắng nghe cử tri. Với quan điểm phản đối các thỏa thuận tự do thương mại và sự can thiệp của các công ty nước ngoài, ông Trump đang hướng đảng Cộng hòa vào một hướng đi chính sách hoàn toàn mới. Nhưng đến thời điểm này, tư tưởng "chủ nghĩa biệt lập" mà ông đưa ra dường như không đi ngược lại với nguyện vọng của cử tri.

Dù gần như đã chắc chắn trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Trump vẫn phải đối mặt hàng loạt thách thức nhằm hàn gắn bất đồng nội bộ đảng. Các cuộc thăm dò dư luận tại điểm bỏ phiếu cho thấy, cứ 10 cử tri đảng Cộng hòa thì có đến 4 người tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho tỷ phú này trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Nhiều nhân vật "có tiếng nói" của đảng Con Voi vẫn chưa tuyên bố ủng hộ tỷ phú New York.

Cựu Tổng thống George W.Bush (con), anh trai ứng viên bỏ cuộc Jeb Bush, chưa có kế hoạch tham gia hoặc bình luận về chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa. Một tuyên bố tương tự cũng được người phát ngôn của cựu tổng thống George H.W.Bush (cha) đưa ra. Với nhiều quan chức Cộng hòa, cái tên Donald Trump chưa bao giờ là lựa chọn sáng giá để đánh bại ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Thực tế, hậu quả từ những đòn chỉ trích khốc liệt mà các ứng viên dành cho nhau trong cuộc đua vị trí đại diện đảng Cộng hòa khiến nhiều người không sẵn sàng hỗ trợ ông Trump vì lo ngại tỷ phú này trở thành thảm họa của đảng trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới.

Những phát ngôn "lạ tai" và đánh trúng tâm lý của một bộ phận cử tri có thể không phát huy hiệu quả khi ông Trump đối đầu với đại diện của đảng Dân chủ. Trong khi đó, một cuộc khảo sát do CNN tiến hành gần đây cho thấy, ông Trump vẫn đứng sau cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton về sự ủng hộ trong dân chúng với tỷ lệ tán thành cho 2 ứng cử viên này lần lượt là 41% và 54%. Theo kết quả bầu cử sơ bộ tại bang Indiana ngày 3-5, bà Clinton có thêm ít nhất 37 phiếu đại biểu, nâng tổng số lên 1.700 phiếu đại biểu và 520 phiếu siêu đại biểu, tiếp tục dẫn đầu cuộc đua ở nội bộ đảng Dân chủ.

Tới thời điểm này, giới truyền thông Mỹ đều có chung nhận định, vòng bầu cử sơ bộ đang bước vào hồi kết, mở ra cuộc đối đầu giữa ông Trump và bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Với những yếu tố vừa kể trên, vị tỷ phú 69 tuổi này dường như đang gặp khó nhiều hơn so với cựu Ngoại trưởng Clinton. Thế nên trách nhiệm của ông Trump lúc này là hàn gắn những rạn nứt sau một chiến dịch tranh cử khốc liệt cũng như khắc phục hậu quả từ những phát ngôn gây chia rẽ của mình về các ứng cử viên, người Hồi giáo, người Mexico, người di cư và phụ nữ.

Những cuộc đua vào Nhà Trắng thường bất ngờ và trong lúc tỷ phú Trump tiếp tục hành trình của mình, nước Mỹ sẽ còn phải chứng kiến nhiều điều bất ngờ nữa.

Thùy Dương