Quyết liệt chống tham nhũng, xử lý nợ xấu
Chính trị - Ngày đăng : 21:57, 06/05/2016
Đơn vị bầu cử số 1 của Hà Nội có 5 ứng cử viên (ƯCV) gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - Phạm Xuân Anh; Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - Phan Thanh Chung; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội - Trần Thị Phương Hoa.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Bích Ngọc Chủ tịch HĐND TP, Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP cùng dự.
Trong chương trình hành động, ưu tiên cho những vấn đề khác nhau, song các ƯCV đều cam kết sẽ hoàn thành nhiệm vụ nếu trúng cử, dành nhiều thời gian đi thực tế nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có cơ sở thực tiễn tham gia xây dựng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
ƯCV Nguyễn Doãn Anh cho biết, nếu được bầu ông sẽ tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời sẽ cộng tác chặt chẽ và hiệu quả với HĐND các cấp, góp phần đưa các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là những vấn đề về an sinh xã hội của Thành phố vào thực tiễn. Ông Nguyễn Doãn Anh cũng cam kết, thực hiện nghiêm việc tiếp dân, trực tiếp lắng nghe ý kiến cử tri, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các thắc mắc, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri. "Cử tri có thể liên lạc với tôi bất cứ thời gian nào" - ông Nguyễn Doãn Anh nói.
Tiếp theo, ông Phạm Xuân Anh, trong chương trình hành động nhấn mạnh đến việc ông sẽ chú trọng đề xuất và tham gia vào đổi mới công tác tuyển sinh, khắc phục tình trạng thi cử nặng nề gây tốn kém về tiền bạc và thời gian cho phụ huynh, học sinh.
Tương tự, ông Phan Thanh Chung cam kết nếu trúng cử sẽ bảo vệ quyền lợi người lao động, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị.
ƯCV thứ tư, bà Trần Thị Phương Hoa cho biết sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân, đặc biệt là phụ nữ; phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban MTTQ thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện…
Là người cuối cùng trình bày chương trình hành động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ông đã nhiều năm được giới thiệu làm ĐBQH và đây là lần thứ tư được ứng cử tại Hà Nội.
Tổng Bí thư chia sẻ, năm nay đồng chí đã cao tuổi, trải qua nhiều cương vị công tác, đã có đơn xin nghỉ bằng văn bản, nhưng do Trung ương tiếp tục yêu cầu công tác nên là một Đảng viên, đồng chí chấp hành và sẽ tiếp tục lắng nghe, học hỏi từ nhân dân để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Trong thời gian có hạn, Tổng Bí thư báo cáo ba vấn đề lớn mà theo đồng chí cần phải làm quyết liệt trong thời gian tới. Thứ nhất là kinh tế phải tiếp tục phát triển, khắc phục được yếu kém nhất là nợ xấu, nợ công. Hai là phải xây dựng Đảng cho tốt, tổ chức bộ máy phải trong sạch vững mạnh, chống cho được tham nhũng tiêu cực. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định, phòng chống tham nhũng không phải nhiệm vụ dễ dàng. "Đi đâu bây giờ cũng thấy phàn nàn tham nhũng. Tham nhũng vặt cũng có, tham nhũng lớn cũng có, cấp dưới cũng có, cấp trên cũng có”.
Vấn đề thứ ba được Tổng Bí thư đề cập là giữ vững độc lập chủ quyền đồng thời giữ môi trường ổn định để phát triển.
Phát biểu ngay sau đó, cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm bày tỏ sự hài lòng vì chương trình hành động các ƯCV đặt ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể, sát với đời sống người dân. Cử tri Trần Công Dân - quận Ba Đình nhận xét, Tổng Bí thư nói rất ngắn nhưng những vấn đề đặt ra cần giải quyết là nguyện vọng của cử tri ngày hôm nay. Ông Trần Công Dân và các cử tri quận Ba Đình mong muốn, nếu được trúng cử, các ĐBQH sẽ thực hiện tốt chương trình hành động của mình.
Cử tri Nguyễn Văn Hiệp, Trần Văn Tiếp - quận Hoàn Kiếm đề nghị, các ƯCV sau khi đắc cử, cần quan tâm đến vấn đề dân sinh bức xúc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, nhiệm kỳ tới đây cần phải tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng gần hơn dân; đấu tranh không khoan nhượng trước những biểu hiện lợi ích nhóm. Với những công trình lớn, cần giám sát ngay khi hình thành dự án. Bên cạnh đó, chú trọng cải cách hành chính để bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động.