Cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin: Nhiều vấn đề vướng mắc
Đời sống - Ngày đăng : 08:41, 06/05/2016
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.Ảnh: Bá Hoạt |
Để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (CQNN), tạo điều kiện để xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), từ cuối năm 2014 đến nay, Chính phủ đã ban hành các quyết định (QĐ), nghị quyết (NQ) quy định cơ chế, chính sách thúc đẩy việc ứng dụng CNTT. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành QĐ 80/2014 thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong CQNN; ban hành QĐ 1819/2015 về triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN giai đoạn 2016-2020; NQ số 36a/2015 về CPĐT.
Đáng chú ý, nói về giải pháp thực hiện, NQ 36a Chính phủ nêu rõ: "Đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp (DN) CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói (gồm phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp)... để CQNN cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Để bảo đảm an ninh thông tin, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ được chỉ định thầu; xác định giá thuê tạm thời ngắn hạn (dưới 12 tháng) nếu chưa đủ điều kiện cần thiết để xác định giá thuê ổn định". Tuy quy định là vậy, song theo các DN người đứng đầu vẫn rất ngại việc chỉ định thầu và xác định giá thuê dịch vụ tạm thời.
Theo Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng, đến nay VNPT đã hợp tác với các bộ, ngành: LĐ-TB&XH, Xây dựng, TN-MT, Y tế và GD-ĐT triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Tập đoàn đã triển khai thử nghiệm giải pháp CPĐT cho UBND các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Nam Định, Lâm Đồng, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre.
Song, trong quá trình triển khai các dự án liên quan đến CPĐT, tập đoàn gặp khó khăn trong việc xác định giá thuê dịch vụ CNTT do UBND tỉnh, thành phố thuê lại. Vì, theo quy định, giá thuê dịch vụ CNTT vẫn đang chờ Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, song kể từ khi NQ 36a ra đời đến nay đã được 6 tháng (tính đến cuối tháng 4-2016) và việc "nợ" hướng dẫn lâu như vậy sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện. "Các bộ, ngành liên quan nên tháo gỡ bằng cách tạm giao quyền cho các UBND tỉnh, thành phố được tự xác định giá thuê dịch vụ CNTT. Bởi lẽ, có địa phương có nguồn kinh phí nên họ có thể áp dụng giá hợp lý. Còn với những tỉnh, thành phố khó khăn, DN có thể hỗ trợ" - ông Trần Mạnh Hùng đề xuất.
Trong NQ 36a có nêu rõ, CQNN được xác định giá tạm thời… Song, qua tìm hiểu được biết tại một số DN CNTT đã, đang thực hiện việc cho thuê hầu như chưa thu được tiền thuê dịch vụ ở các địa phương. "Chậm thu tiền thuê với các DN lớn có thể chịu đựng được trong 1 năm, nhưng nếu kéo sang năm thứ 2 thì "chết" DN; mà không chỉ có vậy, đội ngũ chuyên gia, cán bộ triển khai CNTT cũng "chết" vì sản phẩm họ làm không được ghi nhận, không được tính điểm" - Trưởng ban CNTT và Dịch vụ Tập đoàn VNPT Nguyễn Quốc Cường cho biết. Điều này có thể được hiểu là các DN lớn như VNPT, Viettel, FPT có thể chấp nhận việc chậm xác định giá thuê trong thời gian nhất định, còn với các DN nhỏ, DN tư nhân thì chậm xác định giá thuê sẽ khiến họ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ngoài ra, điểm "nút" tạo vướng mắc trong quá trình triển khai thuê dịch vụ CNTT là việc CQNN không biết căn cứ áp dụng như thế nào. Cụ thể, thứ nhất, trong việc lựa chọn hình thức triển khai, do chưa có tiêu chí rõ ràng thuyết minh tính hiệu quả giữa hình thức thuê dịch vụ và hình thức đầu tư, nên CQNN thiếu cơ sở pháp lý để quyết định lựa chọn hình thức thuê dịch vụ. Thứ hai, đó là sở cứ trong việc lựa chọn nhà cung cấp để thuê, chẳng hạn tại sao lại chọn nhà cung cấp A, mà không chọn B…
Vấn đề này có thể căn cứ vào giá, nhưng hiện mới chỉ có định mức về giá làm căn cứ với phần mềm, chứ với các dịch vụ (đường truyền, thiết bị…) lại chưa có. Một vấn đề khác nữa liên quan đến chỉ định thầu đó là các CQNN địa phương thường lúng túng trong việc chỉ định thầu khi mà thực tế đã xảy ra chuyện những nhà cung cấp nhỏ hơn (thường là công ty tư nhân) có lợi thế giá cả, song do quy mô hoạt động nhỏ và năng lực không đáp ứng được nên về lâu dài lại kém hiệu quả so với DN lớn.