Chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật: Tạo chuyển biến tích cực

Kinh tế - Ngày đăng : 07:45, 06/05/2016

(HNM) - Mỗi năm, Sở NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức hàng trăm buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học cho hàng nghìn lượt nông dân. Hoạt động này đã tạo những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của nông nghiệp Thủ đô thời gian qua.

Mô hình trồng hoa ly của nông dân xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt


Với những ruộng hoa đồng tiền, lily... khoảng vài trăm mét vuông đến cả nghìn mét vuông, xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) hiện là vùng hoa có tiếng của Hà Nội. Đáng chú ý, đây là vùng hoa ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả rõ nét. Chị Nguyễn Thị Hương, xã viên HTX Hoa Thụy Hương chia sẻ: Mới đầu, chúng tôi trồng cúc, đồng tiền… Sau khi được Sở NN&PTNT, các trung tâm thuộc Sở tổ chức các lớp tập huấn nên bà con mạnh dạn chuyển đổi sang những giống hoa chất lượng hơn.

Ứng dụng tiến bộ khoa học mới, HTX Hoa Thụy Hương đã xây dựng được mô hình sản xuất hoa trong nhà lưới với quy mô 1.000 - 3.000m2, mô hình xử lý củ giống hoa loa kèn, hoa ly công suất 10.000 củ/lần xử lý. Ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, doanh thu đã đạt hơn 1,85 tỷ đồng, lợi nhuận 1,3 tỷ đồng, trong đó gần 750 triệu đồng chia cho xã viên theo tỷ lệ góp vốn.

Cũng như người dân xã Thụy Hương, đến nay nông dân xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) đều đã sử dụng máy móc trong canh tác. Anh Nguyễn Văn Oanh, xã Đại Thắng, cho biết: Cơ giới hóa, bà con trồng lúa không còn vất vả. Cấy, gặt chỉ mất 1-2 ngày là xong vài sào ruộng.

Theo ông Trần Bá Cao, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Thắng, đến nay, toàn xã đã đầu tư mua được 10 máy cấy, 20.000 khay gieo mạ, 27 máy làm đất…; trong đó việc ứng dụng kỹ thuật vào quy trình sản xuất nông nghiệp đạt tỷ lệ cao như: Làm đất đạt 100%, cấy là 30-35%, thu hoạch 55-60%… Cơ giới hóa không chỉ góp phần làm tăng năng suất cây trồng mà còn làm giảm chi phí sản xuất, sức lao động.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Hồng Anh: Hằng năm, trung tâm triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như cơ giới hóa trong sản xuất lúa, mô hình sản xuất hoa ly chất lượng, mô hình khoai tây giống vụ đông… Để các mô hình thành công, việc tập huấn, hướng dẫn nông dân nắm bắt quy trình sản xuất, thâm canh các giống cây con mới luôn được chú trọng. Mỗi khi triển khai mô hình, trung tâm thường tổ chức 3-4 lớp tập huấn, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo "Nhịp cầu nhà nông" theo từng chuyên đề ở hầu hết các quận, huyện.

Cũng nhờ đẩy mạnh chuyển giao khoa học, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng lúa, hoa, cây ăn quả chất lượng cao. Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ nhận định: Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là chiến lược nhằm tái cơ cấu ngành. Từ kết quả nghiên cứu khoa học, đã hình thành các quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới, tạo ra một số giống cây ăn quả đặc sản, giống lúa lai năng suất cao cho vùng ngoại thành.

Đến nay, Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất rau an toàn, phòng chống dịch bệnh tổng hợp trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa chất lượng, hiệu quả, an toàn dịch bệnh. Từ đó, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, mang lại những đổi thay quan trọng cho nông thôn cũng như nâng cao chất lượng đời sống người nông dân những năm qua.

Việt Phong