Kiên quyết xóa bỏ giấy phép con

Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 06/05/2016

(HNM) - Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra tại Hà Nội vào chiều tối 5-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, việc loại bỏ các loại giấy phép con bất hợp lý, cản trở trong đầu tư kinh doanh là điều kiện tiên quyết.

Chính phủ sẽ có những giải pháp giúp các DN phát triển ổn định.Ảnh: Thanh Hải


Nhiều giải pháp tăng "sức khỏe" nền kinh tế

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông báo, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016 diễn ra trong ngày 4 và 5-5 có ý nghĩa đặc biệt khi Chính phủ vừa có 21 thành viên mới và Chính phủ khóa XIII còn khoảng 3 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ. Thủ tướng đề nghị các thành viên cần đồng tâm hiệp lực, triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ; tìm biện pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 5% như đã đề ra. Thủ tướng nêu rõ, ngay khi Chính phủ được kiện toàn đã phải đối phó với nhiều vấn đề phát sinh như tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,46% so với 6,12%), lạm phát 4 tháng đã tăng 1,33%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ thu của 3 lĩnh vực chủ yếu (nội địa, dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu) đều đạt thấp so với cùng kỳ 2015 do giá dầu thô và các sản phẩm hóa dầu xuất khẩu giảm mạnh… Trong khi đó, nguồn vốn vay ODA sẽ giảm dần, thay vào đó là các khoản vốn vay với mức ưu đãi thấp hơn, thời hạn vay ngắn và lãi suất cao hơn. Nguồn vay trong nước cũng rất khó khăn. Việc phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc chủ yếu dựa vào các tổ chức tài chính của Nhà nước, ngân hàng thương mại, bảo hiểm xã hội... cũng đạt kết quả rất thấp.

Các thành viên Chính phủ đã đi đến thống nhất, năm 2016 sẽ tập trung hơn vào công tác xây dựng thể chế, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đưa ra nhiều giải pháp tăng cường "sức khỏe" của doanh nghiệp, phát triển kinh tế ổn định. Động thái mới nhất là, ngay trong ngày 4 và 5-5, Chính phủ đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp Việt Nam với nội dung chính là xóa bỏ các giấy phép con hiện đang là gánh nặng, cản trở sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Một số giải pháp cụ thể nhận được sự thống nhất cao của các thành viên Chính phủ như: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đối thoại công khai thường kỳ hằng quý với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư; thành lập đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đáng lưu ý, việc thanh tra kiểm tra liên ngành phải theo hướng nhiều nội dung trong một đợt kiểm tra và không quá 2 lần/năm.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ giấy phép con là yêu cầu cấp thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.Ảnh: Thanh Hải


Củng cố niềm tin của doanh nghiệp

Đánh giá về những cải cách trên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, nghị quyết sau khi ban hành phải "thổi" niềm tin mạnh mẽ cho doanh nghiệp, bắt đầu từ việc tập trung tháo gỡ, giải quyết kiến nghị, khó khăn vướng mắc đã được nêu ra trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua.

Ở chiều ngược lại, các thành viên Chính phủ đề nghị các cấp, ngành cũng phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp hay không? Cùng với đó, Chính phủ sẽ phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho... "Chính phủ kêu gọi Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân tham gia theo dõi, giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến giúp Chính phủ thực hiện thành công các chương trình hành động đã đề ra" - ông Mai Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ mới kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Thủ tướng chỉ đạo quyết tâm xây dựng Chính phủ "Liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí". Đồng thời thực hiện phân cấp triệt để, cái gì bộ, ngành, địa phương làm tốt, tự chủ được thì để bộ, ngành, địa phương tự làm.

Cũng tại phiên họp, đại diện Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi với báo chí về hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung; một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận vừa qua như vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê "Xin Chào" bị Công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh khởi tố, đề nghị truy tố về hành vi vi phạm hành chính... Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, vẫn còn một số cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ, thoái hóa biến chất, tiêu cực hoặc hạn chế về trình độ, năng lực... Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; kiên quyết xử lý những người vi phạm.

Xây dựng 6 thủy điện trên Sông Hồng mới chỉ là ý tưởng ban đầu

Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp Xuân Thiện tại Ninh Bình có đề xuất xây dựng 6 công trình thủy điện trên Sông Hồng khiến nhiều chuyên gia lo ngại, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng, đề xuất ban đầu, tuy nhiên, với nhận thức dự án quan trọng này có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan. 

Theo ông Nguyễn Xuân Tự, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất khuyến khích các đề xuất sáng kiến của những nhà đầu tư, nhưng không có nghĩa một khi đề xuất là được lựa chọn làm nhà đầu tư. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải qua quy định của Luật Đấu thầu, theo quy định của Nghị định 15 về PPP. 

Do dự án có thể ảnh hưởng nhiều đến Đồng bằng châu thổ sông Hồng nên theo ông Tự, cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào… tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ.

Hà Phong