Các nghề thủ công ở Thăng Long- Kẻ Chợ Thời Lê

Xã hội - Ngày đăng : 17:40, 13/11/2004

Thăng Long- Kẻ Chợ xưa có rất đa dạng các nghề thủ công truyền thống nhưng trước hết phải kể đến nghề dệt vải lụa. Dệt lụa vải có truyền thống lâu đời ở các vùng ven Thăng Long như  làng Nghi Tàm, làng Dâu thuộc xã nghĩa đô ở phía bắc, làng Thanh Trì và Thúy Ái ở phía nam.

Các sản phẩm thủ công bao giờ cũng làm hút hồn du khách. Ảnh: Lan Hương

Thăng Long- Kẻ Chợ xưa có rất đa dạng các nghề thủ công truyền thống nhưng trước hết phải kể đến nghề dệt vải lụa. Dệt lụa vải có truyền thống lâu đời ở các vùng ven Thăng Long nhưlàng Nghi Tàm, làng Dâu thuộc xã nghĩa đô ở phía bắc, làng Thanh Trì và Thúy Ái ở phía nam.

Thời này nghề dệt đã đạt tới mức cực thịnh, trọng điểm là các làng Yên Thái, Trích Sài, Bái Ân và Nghĩa Đô, Nhược Công (khu Thành Công ngày nay) và xa hơn là cụm các làng La, Vạn Phúc, Mỗ, Phùng.

Nguyễn Huy Luợng đã miêu tả cảnh nhộn nhịp của các phường dệt vải Thăng Long như sau:

“Liễu bờ kia hay tơ biếc phất phơ

Thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm”

Sách “Thượng kinh phong vật chí” ghi chép: “Làng Thụy Chương,làng Nghi Tàm dệt vải lụa, mùa hè mặc thì mát, mùa đông mặc thì ấm. Mỗi cái áo có thể mặc được ba năm”. Một giáo sĩ phương Tây nhận xét: “Kỹ nghệ dệt tơ lụa ở đây rất phát triển, đến nỗi kẻ giàu người nghèođều mặc quần áo bằng tơ lụa”. Pampier ca tụng: “Người ta có thể trông thấy vô vàn những tơ lụa mịn đẹp được dệt ở Kẻ Chợ, mà các lái buôn phương Tây rất thèm khát được mua về nước hoặc đặt hàng gia công trước cho các thợ thủ công”.

Những đặc sản vải lụa của Thăng Long - Kẻ Chợ đã đi vào ca dao:

The La, Lĩnh Bưởi, Chồi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên

Nghề nhuộm vải lụa cũng là nghề lâu đời với tên gọi xưa là phường Thái Cực, rồi phường Đại Lợi. Sách “Thượng kinh phong vật chí” chép: “Phường Hàng Đào - Đại Lợi, làm nghề nhuộm màu: màu trắng, trắng như tuyết, không có điểm nhọ đen; màu huyền thì trong sắc đen có pha sắc tía; màu thiên thanh thì trong sắc xanh có pha sắc lam, trong một màu mà khác hẳn nhau, có màu hồng nhạt, có màu hồng đậm”.

* Nghề thêu:

Nghề này chỉ phục vụ một số ít người giàu có và đẳng cấp cao như vua chúa, quan lại. Nghề thêu ở Thăng Long Hà Nội có quê gốc là làng Quất Động (Tỉnh Hà Đông cũ). Theo truyền thuyết, ông tổ nghề này là Lê Công Hành, sống vào thế kỷ 17. Dân thợ thêu làng này đã di cư ra sống ở phố Yên Thái và đoạn cuối phố Hàng Trống, đôi khi rải rác ở các phố Hàng Nón, Hàng Mành, Hành Chỉ. Thời đó triều đình quy định phẩm phục quan lại rất nghiêm ngặt, khắt khe về màu sắc, kích thước các hình thêu lên áo. Tùy từng chức tước khác nhau mà quan lại được mặc áo có thêu hình tê ngưu hay văn báo, gấu (quan võ) và thỏ, chim yểng, vẹt, công, tiên hạc (quan văn).

* Nghề đúc đồng

Nghề đúc đồng đã có ở kinh thành Thăng Long từ nhiều thế kỷ trước và đã phát triển mạnh mẽ trong những thế kỷ 17,18. Nghề đúc đồng ra đời từ thời Lý do sư Không lộ truyền nghề cho dân Hà Nam và Hà Bắc. Đến khoảng đầu thế kỷ 17, các thợ đúc đồng từ các làng bên Kinh Bắc di cư sang Thăng Long và định cư tại bán đảo Ngũ Xã bên bờ hồ Trúc Bạch. Sản phẩm đúc là các nồi xanh, đèn, đỉnh, đồ thờ và cả những tượng lớn. Kỹ thuật đúc đồng đã đạt tới trình độ khá tinh xảo, như việc thợ đồng Ngũ Xã đã đúc thành công pho tượng đồng đen nổi tiếng ở quán Trấn Vũ, nặng khoảng hơn 4 tấn vào năm 1677 dưới triều Lê Huy Tông.

Kỹ thuật đúc đồng ở Ngũ Xã là một kỹ thuật truyền thống. Người ta mua quặng đồng của các thuyền chở quặng từ các mỏ trên Thượng du xuôi theo sông Hồng, hoặc mua một số đồng nát từ các làng bên xứ Bắc và ở phố Hàng Đồng.Đồng được mua về, đổ vào nồi nấu trong các lò đường kính khoảng chừng một mét. Các lò đều có cửa thông gió, về sau người ta dùng bễ để thổi. Trước tiên người ta nấu chảy quặng đồng, loại bỏ các tạp chất lắng đọng rồi đổ vào khuôn lấy đồng nguyên chất. Sau đó người ta lại đem nấu chảy đồng nguyên chất. Khi hợp kim đồng chảy lỏng tới một nhiệt độ thích hợp thì đem rót vào khuôn tạo hình. Nếu để đồng già quá thì đồ đúc dễ có vết rạn và lượng đồng bị hao hụt nhiều.

Những lò đúc đồng Ngũ Xã chủ yếu sản xuất theo lối đặt hay thửa cho các đền chùa quan lại đối với các sản phẩm lớn và đắt tiền như tượng, chuông, đồ thờ nghi lễ... Ngoài ra họ còn sản xuất một số vật phẩm cần dùng trong đời sống hàng ngày như nồi đồng, mâm đồng, chậu đồng, lư hương... rồi đem bán buôn cho các hiệu ở phố Hàng Đồng.

* Nghề Vàng bạc

Cơ sở làm nghề vàng bạc sớm nhất ở kinh thành Thăng Long là làng Định Công (Thanh Trì - Hà Nội) và đã đi vào ca dao:

Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng

Thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã

Sau này dân làng Định Công học tập dân làng Trâu Khê (Hải Dương) lên cư trú ở phố Hàng Bạc, phục vụ các khách hàng Thăng Long với những nữ trang nhỏ nhắn như hoa tai, xuyến, hột vòng...

Ngoài ra còn một nghề khác là đúc bạc nén và đổi bạc học từ ông tổ làng Trâu Khê tỉnh Hải Dương. Truyền thuyết kểrằng ông Lưu Xuân Tín dưới thời Lê Thánh Tông đã nhận lệnh vua lập nên một tràng đúc bạc và tiền ở Thăng Long. Dân làng ông di cư ra Thăng Long ở phố Hàng Bạc và đúc bạc cho nhà nước. Họ nhận nguyên vật liệu của các Ty quan, mang bạc về đúc thành từng đĩnh hay nén 10 lạng gọi là chuyên bạc. Khi cần thiết nó có thể đổi bạc đĩnh ra tiền đồng và ngược lại. Pampier viết trong Du ký: “Đổi bạc là một nghề nghiệp quan trọng ở Kẻ Chợ. Nghề đó được thực hiện do giới phụ nữ, họ là những người rất khéo léo và lão luyện trong công việc này. Họ tiến hành những mưu kế trong đêm tối, và đã biết làm thế nào để tăng túi tiền của họ lên, hệt như các tay đầu cơ chứng khoán sắc sảo nhất ở Luân Đôn”

* Nghề làm giấy

Nghề làm giấy là một nghề thủ công lớn của Thăng Long Hà Nội với các làng giấy nổi tiếng ở thôn Dịch Vọng bên sông Tô Lịch rồi lan truyền qua các địa phương khác ven sông Tô Lịch như Yên Hòa (làng giấy), hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái, Nghĩa Đô. Nổi tiếng và phát triển nhất là thôn Yên Thái (Bưởi). Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15 đã viết về nghề làm giấy ở Yên Thái. Sách Thượng kinh phong vật chí cũng ghi: “Phường Yên Thái làm giấy, bền dai mà trắng bóng, hoặc tờ một, hoặc tờ đôi, hoặc dài hoặc ngắn đều có mẫu mực nhất định. Đem giấy ấy mà viết thì dù để kín trong hòm tủ, lâu năm vẫn như mới, không bị mối mọt. Lại có thứ giấy rồng, mặt tờ giấy vẽ vây rồng và vẩy rồng, chỗ nào cũng giống hệt như thực. Lại nhuộm nước hoa hòe làm màu, tô kim nhũ cho đẹp. Những người nào có công lao với nước, vị thần nào có công đức với dân, thì nhà vua phong sắc cho bằng thứ giấy này”.

Công đoạn làm giấy như sau: Nguyên liệu là cây dó được chặt ở Lao Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ theo bè xuôi sông Hồng về. Tại làng người ta tiến hành ngâm rửa vỏ dó bằng nước lã, nước vôi loãng trong vài ngày, rồi đun cách thủy trong vạc vài ngày và bóc tách vỏ để phân loại. Đến công đoạn giã (mỗi cối 25 kg) cho nhuyễn thành một thứ bột trắng rồi cho vào những chảo lớn (tàu seo) có dung tích 700 đến 750l/cái. Quấy trong nửa giờ rồi cho thêm 10 lít nước có trộn nhựa cây mò để tạo chất dính. Sau đó người thợ tráng bột lên khuôn để bột giấy ráo nước biến thành một tờ giấy. Công đoạn cuối cùng là xếp những tờ giấy ướt thành tập dày, đem ép cho ráo nước rồi bóc ra sấy từng tờ trong lò cho thật khô, cuối cùng đem đi tiêu thụ.

* Nghề gốm sành sứ

Nghề gốm Bát Tràng đã phát triển từ lâu, đến thế kỷ 17, trung tâm gốm Bát Tràng trở thành một địa chỉ nổi tiếng. Một lái buôn người phương Tây đến Thăng Long năm 1688 nhận xét: “Bát đĩa sành sứ là một trong những mặt hàng buôn bán quan trọng. Các lái buôn Hà Nam thường mua đồ gốm, bát đĩa ở Thăng Long để đem đi bán ở một số nước thuộc vùng Đông Nam á hoặc vùng ấn Độ Dương. Năm 1670, tàu Hà Lan mua mang đi 214.160 chiếc bát đĩa ở Thăng Long. Gạch Bát Tràng cũng là một nguồn xuất khẩu của Thăng Long - Kẻ Chợ. Năm 1664, các lái buôn phương Tây còn mua ở Kẻ Chợ những gạch lát bằng đá xanh.

Người ta làm bát bằng đất đàn. Đất được đem về đập nhuyễn rồi vuốt, sau đó chuyển sang những bàn xoay nhỏ hơn để sửa cho dáng cố định và độ dày thích hợp. Rồi được nhúng bằng một thứ vữa bằng đất Kao-Lin gọi là “áo” làm cho lớp ngoài được trắng đẹp. Tiếp đến là công đoạn trang trí bằng bút và mực xanh. Cuối cùng là công đoạn tráng men bằng hỗn hợp đất cao lanh Đông Triều và bột tro các cây gỗ hiếm trong rừng (mua từ các làng quế - Kim Bảng và Lương - huyện Duy Tiên) rồi xếp bát vào những hộp bằng đất cho khỏi vỡ rồi bỏ vào lò nung ở nhiệt độ 1250 độ trong 48 tiếng. Những miếng hộpnung kèm bát chính là thứ gạch Bát Tràng nổi tiếng.

* Nghề mộc: nghề đóng đồ đạc, làm ghế, làm rương, làm nhà

Dân các làng mộc Liễu Viên, Phượng Dực thuộc huyện Thường Tín di cư ra các thôn Sở Khanh, Tả Lâu và Nhiễm Thượng (phố Lò Sũ và một phần phố Nguyễn Hữu Huân bây giờ) để hành nghề.

* Nghề sơn:

Dân làng nghề sơn ở Thường Tín di cư ra Thăng Long phố Hàng Hòm, mở một số cửa hiệu làm và bán hàng gỗ, rương, tráp. Về sau họ nhận sơn các hòm tráp, hoành phi câu đối, cầy đèn, ngai, bệ thờ... Thế kỷ 17, lái buôn Pampier nhận xét: “Những tác phẩm bằng sơn được làm ở đây không hề thua kém một nơi nào khác, nếu ta không kể đến nghề sơn của Nhật Bản, mà mọi người đều thừa nhận là tốt nhất thế giới.

* Nghề da giầy:

Những người làm giầy ở Thăng Long hầu hết có quê gốc ở làng Trúc Lâm, Phong Lâm và Văn Lâm (Hải Dương), sau tập hợp ở phố Hài Tượng (Hàng Giầy ngày nay). Người ta mua những tấm da đã thuộc sẵn hoặc mua da sống về thuộc. Da sống được mua về, xử lý thuộc qua các khâu ngâm vào bể nước vôi và nước phèn chua, hun khói, nhuộm bằng nước vỏ vẹt sắc đặc rồi cắt thành từng miếng. Muốn đóng giầy họ phải cắt da và uốn da theo khuôn thành mũi giầy, cắt và đóng đế bằng đinh tre, lấy mảnh sành cạo gọt thành gót giầy, dùng hồ dán mặt giầy, bôi phẩm và đánh sáp. Ngoài ra, người ta còn làm những đôi dép quai nhung, ủng cổ cao dùng cho quan lại, các đôi hài cườm và thêu kim tuyến hình cánh phượng, hoa lá, hồng bướm, phù du chim trĩ.

* Nghề khắc ván in:

Thợ khắc ván in có gốc ở Hải Dương di cư ra Thăng Long - Kẻ Chợ vào khoảng thế kỷ 17, cư trú tại phường Cổ Vũ (Hàng Gai bây giờ). Thợ khắc thường là nam giới. Họ chọn thứ gỗ thị là loại gỗ mịn và dai để khắc theo từng khổ khác nhau. Thợ in là phụ nữ, chuyên quét mực đều vào bản khắc rồi in trên giấy bản. Các thợ khắc và in không mở cửa hàng riêng mà in thuê cho các hiệu sách, có khi in thuê cho triều đình các bộ sách kinh, truyện hoặc chính sử.

* Nghề làm quạt:

Là một trong những nghề thủ công cổ truyền của Thăng Long - Hà Nội. Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí: “Phường Tả Nhất làm quạt”. Tuy nhiên ở Hưng Yên, dân làng Đào Xá là một làng cổ chuyên làm quạt cho triều đình từ lâu đời. Sau này dân Đào Xá di cư ra Thăng Long và hành nghề tại phố Hàng Quạt.

* Nghề làm đồ mây tre:

Nghề này được làm tại một số xã tại ven ngoại thành Thăng Long và được đem bán tại phố Mã Mây và Hàng Bè. Làng nổi tiếng về nghề mây tre là làng Vẽ (Từ Liêm) ven sông Hồng. Ngoài ra, còn nhiều nghề khác như đan bồ, mành mành, làm nón...

PV

LANHUONG