Hướng phát triển tất yếu

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 04/05/2016

(HNM) - Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp toàn cầu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết bài toán an ninh lương thực, trong bối cảnh dân số gia tăng … Đồng thời, đây cũng là giải pháp tích cực nhằm bảo vệ môi trường, giảm diện tích sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phục vụ các lĩnh vực khác…

Việt Nam có 29 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã được quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động tại 12 tỉnh, thành phố. Các mô hình này đã đạt được những kết quả nhất định về kinh tế cũng như công nghệ. Nhưng về cơ bản, việc phát triển NNCNC ở nước ta đang phải đối mặt với không ít vấn đề và nếu không có hướng tháo gỡ thì mục tiêu sẽ không được như kỳ vọng. Đặc biệt, nếu không thu hút được doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này thì mọi đề án, kế hoạch phát triển NNCNC đều khó có "cửa thắng".

Điểm lưu ý đầu tiên, muốn đầu tư vào NNCNC thì DN phải có quỹ đất đủ lớn. Hiện nay, để có một diện tích đất rộng hàng chục héc ta không phải là chuyện đơn giản. Đang có một thực tế là, nhiều nơi, nông dân không đoái hoài đến chuyện cấy cày, nhưng DN không thể đàm phán được với hàng nghìn hộ nông dân một lúc để tập hợp được đất sản xuất. Đặc biệt, thời gian qua do đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, chuyện cấp đất cho DN sẽ ngày càng khó khăn hơn. Hình thức DN liên kết với nông dân thông qua các tổ chức sản xuất như hợp tác xã sẽ dần thay thế. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang gặp không ít khó khăn và nhiều nơi tuy đã áp dụng nhưng không mấy thành công. Tâm lý cũ, thói quen sản xuất nhỏ là trở ngại khiến việc liên kết không thành.

Ngoài bài toán thị trường, sự bấp bênh của sản xuất nông nghiệp, chính sách ưu đãi về vốn, thuế… cũng là rào cản khiến DN không an tâm khi đầu tư vào sản xuất NNCNC. Tại một khảo sát mới đây do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn (IPSARD) thực hiện với 200 DN cho thấy, cứ 5 DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản thì chỉ có một DN cho biết họ có thể được vay vốn dễ dàng, 4 DN còn lại không thể vay được vốn. Rõ ràng, lĩnh vực NNCNC không dành cho những DN không trường vốn. Hiện nay, cả nước mới chỉ có 6 DN nông nghiệp được công nhận có ứng dụng CNC, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, phần nào cho thấy điều đó.

Cùng với những vấn đề nêu trên, có một thực tế khác là DN nông nghiệp ở Việt Nam có rất nhiều hạn chế trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chưa có sự liên kết chặt chẽ với các phòng thí nghiệm trọng điểm, thiếu năng lực chuyên môn để nắm bắt đổi mới công nghệ hiệu quả và hưởng lợi từ cải cách công nghệ. DN gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn tài chính để thực hiện đổi mới và chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, việc tiếp cận với các công nghệ mới trong quá trình sản xuất, chế biến những nông sản chất lượng cao còn nhiều vướng mắc do các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho DN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều.

Ở một góc độ khác, nói đến nông nghiệp CNC không thể không nói đến vai trò của hàng triệu hộ nông dân. Cung cách sản xuất hiện tại sẽ phải thay đổi, nếu không sẽ "chết" trên mảnh ruộng của chính mình, nhưng thay đổi thế nào, đầu ra sản phẩm ra sao… luôn là nỗi trăn trở của người nông dân ngay cả khi là sản xuất NNCNC.

Gần đây, một loạt DN lớn của Việt Nam như VinGroup, FPT, Hòa Phát, TH, Hoàng Anh Gia Lai… đầu tư vào nông nghiệp. Điều này phần nào cho thấy sức hút từ sản xuất NNCNC và sự vào cuộc của các DN có tiềm lực là một hướng phát triển tất yếu. Điều quan trọng là cần phải tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ những mô hình thành công, đồng thời có những giải pháp sáng tạo để nhân rộng.

Đan Nhiễm