Thị trường bán lẻ Việt Nam: Mất bò vẫn chưa lo làm chuồng!
Kinh tế - Ngày đăng : 10:14, 03/05/2016
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại không chỉ thị trường bán lẻ Việt Nam rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, mà sản xuất nội địa cũng gặp khó bởi sản phẩm làm ra có rất ít cơ hội xuất hiện trên các quầy kệ tại những hệ thống bán lẻ, đồng thời đặt câu hỏi về hoạt động quản lý, giám sát của cơ quan chức năng.
Gạo của Thái Lan được bán tại siêu thị Metro An Phú, Q.2, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Nhiều bất thường trong quản lý
Trong các văn bản gửi tới Thủ tướng, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam gặp khó một phần nguyên nhân do những bất cập trong quản lý, cấp phép của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Theo đó, trong một văn bản, ông Huỳnh Văn Minh - chủ tịch HUBA - cho biết kể từ tháng 1-2015, cùng với việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO, các “đại gia” bán lẻ nước ngoài không ngừng mở rộng quy mô tại thị trường Việt Nam với hàng loạt cửa hàng, trung tâm thương mại đua nhau mọc lên, cùng với việc thâu tóm hệ thống bán lẻ ở Việt Nam.
Cùng với xu hướng này là hàng hóa của các nhà sản xuất Việt Nam ngày càng giảm trên kệ hàng tại các điểm bán lẻ, cơ hội bán được hàng của doanh nghiệp Việt Nam cũng giảm sút. Trong khi đó, hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước khá bất thường.
Chẳng hạn theo cam kết WTO, trước khi các doanh nghiệp ngoại mở cơ sở bán lẻ phải xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm đó, nếu đảm bảo mới cấp phép (quy định ENT).
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có “khung ENT” ở cấp độ toàn quốc và mỗi tỉnh thành lại hướng dẫn áp dụng ENT một kiểu, khiến các nhà bán lẻ trong nước hầu như không được bảo vệ như tinh thần đoàn đàm phán WTO.
Thậm chí nhà đầu tư ngoại núp bóng các trung tâm thương mại nội địa để mở mạng lưới mà không bị bất cứ rào cản nào từ cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, theo thông tư 34/2013 của Bộ Công thương, các nhà bán lẻ nước ngoài không được phân phối các mặt hàng như gạo, đường mía, thuốc lá, xì gà... Nhưng thực tế hàng loạt siêu thị ngoại như Lotte, Big C, Circle K, Metro... đều đang bày bán công khai các mặt hàng này mà không hề bị nhắc nhở, xử phạt.
Điều này, theo ông Minh, đã “gây nên sự hoài nghi”... Khảo sát của phóng viên ngày 2-5 cũng cho thấy tại siêu thị Lotte và Big C trên địa bàn Hà Nội đang bày bán hàng loạt mặt hàng như gạo, đường... một cách bình thường.
Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết từng đề nghị Bộ Công thương quy hoạch đại siêu thị phải cách nhau 30km “nhưng họ có nghe đâu”, khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ VN lao đao. Dẫn trường hợp tại Hải Phòng, ông Phú cho biết chỉ sau sáu tháng kể từ khi một đại siêu thị ngoại được cấp phép tại khu trung tâm thành phố, siêu thị nội gần đó đã bị sụt doanh thu 30%. Tương tự, tại phố Thái Thịnh (Hà Nội), theo ông Phú, có ba siêu thị được cấp phép trong phạm vi khoảng 700m.
Mất bán lẻ là mất sản xuất
Cũng theo HUBA, việc quản lý, cấp phép đầu tư bán lẻ cần quy định chặt chẽ hơn, tránh việc các nhà đầu tư ngoại có thể mở điểm bán ngay cạnh và cạnh tranh quyết liệt với nhà bán lẻ trong nước.
Trước mắt, HUBA đề nghị dừng cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài mở điểm bán mới, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bày bán công khai các mặt hàng cấm doanh nghiệp ngoại phân phối...
Ngoài ra, theo HUBA, khi được giao đất phải buộc nhà đầu tư nước ngoài cam kết hoạt động ít nhất 2/3 thời gian được cho thuê đất. Nếu không còn nhu cầu phải ưu tiên chuyển nhượng cho nhà bán lẻ VN.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia ngành công thương cho rằng “cuộc chiến bán lẻ” ở VN đã bắt đầu. Và nếu nắm được ngành bán lẻ sẽ kiểm soát một phần quan trọng năng lực sản xuất.
Do đó các cơ quan chức năng Việt Nam lẽ ra phải thận trọng hơn trong việc cấp phép cho các nhà bán lẻ ngoại. Ngược lại, thời gian qua nhiều địa phương thường chọn những khu đất “vàng”, đất vị trí đẹp nhất cấp cho các trung tâm thương mại nước ngoài như Big C, Metro... nhằm làm đẹp “bộ mặt” của địa phương.
“Doanh nghiệp ngoại đã mạnh về tài chính, kinh nghiệm, lại được ưu tiên như thế thì doanh nghiệp bán lẻ nội... bó tay, ngành sản xuất của Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng” - vị này thừa nhận.
Để tránh các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài lập công ty con rồi đội lốt doanh nghiệp Việt Nam để hoạt động, vị chuyên gia này cho rằng cách quản lý không khó, chỉ cần rà soát khâu chuẩn bị cấp giấy phép đầu tư, không cấp đất diện tích lớn cho doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm bán lẻ sẽ chặn được ngay.
Với lo ngại “mất bán lẻ là mất sản xuất”, ông Phú đề nghị bản thân ngành bán lẻ nội địa cũng phải nhìn lại mình, phải tăng liên kết với nhau thay vì mạnh ai nấy làm, đồng thời phải tăng liên kết với nhà sản xuất trong nước.
“Không thể cứ chụp giật, siêu thị đặt ra hàng loạt phí như phí đầu kệ, rồi tiền sinh nhật, yêu cầu chiết khấu quá cao... Phải làm ăn bài bản, chứ quản trị doanh nghiệp yếu, thái độ phục vụ không tốt nhưng giá cao, bán lẻ Việt Nam sẽ tự hại chính mình” - ông Phú khuyến cáo.