Cánh chim hòa bình
Đời sống - Ngày đăng : 08:51, 30/04/2016
Các cựu chiến binh Mỹ thăm trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại làng Hữu nghị Việt Nam. |
Năm nay, chuyến thăm của Đoàn VFP bao gồm 17 thành viên mà hầu hết là những người trở lại Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc; trong đó, có những người từng tham gia biểu tình phản chiến tại Mỹ. Không chỉ ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của đất nước này mà họ còn xúc động và ngạc nhiên trước sự đôn hậu, mến khách của người dân Việt Nam. Thăm lại chiến trường xưa, những cựu binh Mỹ rưng rưng xúc động trước tình cảm của những cựu binh Việt Nam và cả những trẻ em mang trong mình chất độc da cam đang sống ở Đà Nẵng.
Chính tình cảm đó làm họ không thôi day dứt với quá khứ và luôn tự hỏi tại sao người Việt Nam vẫn thân thiện với người Mỹ như những người bạn khi họ đã từng đứng ở hai bên chiến tuyến. Trong đoàn lần này có bà Painter Marla, vợ ông Rudd Mark William. Ông là nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ. Vì vậy, hơn ai hết bà hiểu rõ những mất mát và đau thương mà người dân Việt Nam phải gánh chịu.
Là nhà khoa học môi trường nên bà rất quan tâm, lo lắng cho sức khỏe người dân do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Bà Painter Marla xúc động cho biết: "Môi trường gắn với sức khỏe của con người và chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn khi các bạn đối mặt với hậu quả tồn đọng của chiến tranh. Tôi rất trân trọng tấm lòng của các bạn dành cho chúng tôi. Xin tha thứ cho sự hiếu thắng của người Mỹ. Chúng tôi rất trân trọng những gì các bạn đã làm và trải qua để có được Việt Nam như ngày hôm nay".
Có lẽ, bất cứ người Mỹ nào có lương tri cũng trăn trở khi nghĩ đến hàng triệu lít chất độc hóa học mà Mỹ đã rải xuống Việt Nam, gây ảnh hưởng trầm trọng tới môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Rất nhiều người đã chết vì di chứng chất độc da cam/dioxin và hàng vạn trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba tiếp tục là nạn nhân của chất độc nguy hiểm này. Thế nên, với mục đích hòa giải và hàn gắn vết thương, các cựu binh Mỹ đã thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa.
Cựu binh Goerge Mizo đưa ra sáng kiến xây dựng làng Hữu nghị Việt Nam để giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe các cựu chiến binh Việt Nam và nuôi dưỡng, giáo dục những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Đến nay nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức của Mỹ và cá nhân khác đã ủng hộ và tiếp tục công việc này. Trong khi đó, cựu binh David Martin Anderson năm nay đã 71 tuổi và đi lại không bình thường, nhưng ông vẫn quyết hiện thực hóa mong muốn thăm lại đất nước cách xa nơi ông đang sống nửa vòng trái đất và hy vọng có thể ở lại Việt Nam mỗi năm vài tháng để làm gì đó cho đất nước này.
Trước những đóng góp thiết thực của Tổ chức VFP nhằm giải quyết hậu quả chiến tranh, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng chia sẻ rằng tiếng nói của các cựu chiến binh Mỹ rất khách quan khi nhìn nhận về nỗi đau của chất độc da cam. Sự giúp đỡ tuyên truyền của các thành viên trong Tổ chức VFP đã tạo nên tiếng vang lớn và Đà Nẵng đã được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ xây dựng Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh. Còn theo Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Trường, những hoạt động của VFP đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy hàn gắn vết thương chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.