Khẳng định vị thế!
Thể thao - Ngày đăng : 07:18, 29/04/2016
Đánh giá về kết quả và thành tích thi đấu của đoàn Hà Nội ở vòng đấu khu vực, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Phan Anh Tú nhấn mạnh: "Kết quả thi đấu khẳng định lực lượng đông - đều - toàn diện của thể thao học sinh Thủ đô. Khu vực II được đánh giá là khu vực có sức cạnh tranh cao nhất trong tổng số 5 khu vực, do các địa phương đều có thế mạnh riêng. Thế nhưng, chúng ta có lực lượng tham gia đủ cả ở 10 môn và môn nào cũng đạt thành tích ấn tượng".
Đáng tự hào hơn là các VĐV khối phong trào của Hà Nội hoàn toàn được tuyển chọn từ các giải HKPĐ cấp thành phố và một số CLB thể thao tư nhân chứ không phải VĐV chuyên nghiệp. Ông Phan Anh Tú phân tích: "Thời gian tập huấn của các VĐV chỉ 1-2 tháng, phụ thuộc vào lịch thi đấu của các giải đấu thể thao học sinh cấp thành phố, nhưng dưới tài chèo lái, chỉ đạo, huấn luyện của đội ngũ HLV Thủ đô, các hạt nhân năng khiếu này đã đạt được kết quả xuất sắc, trong đó có những thành tích khiến bản thân tôi cũng phải ngỡ ngàng. Tôi rất cảm phục sự tác chiến đầy trách nhiệm của các HLV trong bối cảnh phải tập huấn gấp rút, trang thiết bị dụng cụ thi đấu đến chậm và không phù hợp, cũng như điều kiện ăn, ở còn rất nhiều vấn đề…".
Thực vậy, đây có thể nói là chuyến du đấu đầy thách thức. Thứ nhất, 10 đội thể thao của Hà Nội được bố trí thi đấu rải rác khắp địa bàn Nam Định, khiến công tác quản lý, điều hành chung của đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai, nhà tập cho các VĐV làm quen trước khi thi đấu gần như không có, đơn cử như môn đá cầu, VĐV phải tập tại sân khách sạn. Thứ ba, đây đó vẫn tồn tại những thắc mắc về công tác điều hành của lực lượng trọng tài. Đặc biệt, rất khó kiểm soát chuyện các đơn vị "lách luật" để đưa VĐV chuyên nghiệp từng hưởng lương từ ngân sách vào thi đấu phong trào…
Đương đầu với vô vàn khó khăn đó, các HLV, cán bộ thể thao Hà Nội đã nỗ lực tìm giải pháp "tác chiến" kịp thời, giúp Hà Nội vượt qua nhiều đơn vị mạnh trong khu vực như chủ nhà Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… để duy trì vị thế số 1 khu vực II. Trong đó, bơi đoạt 22 HCV, điền kinh đoạt 9 HCV, thể dục 8 HCV, bóng bàn 6 HCV, bóng chuyền nữ 1 HCV, bóng rổ 2 HCV, đẩy gậy 3 HCV, bóng đá 1 HCV nữ THPT, 1 HCV nam THCS, cầu lông 4 HCV…
Đáng lưu ý, sau khi kết thúc vòng đấu khu vực, Hội khỏe toàn quốc sẽ được tổ chức tại Thanh Hóa từ 20 đến 28-7 và tại Nghệ An từ ngày 1 đến 10-8. Rút kinh nghiệm từ chuyến du đấu tại Nam Định, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở VH-TT Hà Nội để các VĐV phong trào được tạo điều kiện tốt hơn trong tập huấn và thi đấu.
* HKPĐ toàn quốc được tổ chức theo chu kỳ 4 năm/lần, là sân chơi thể thao học đường lớn nhất ở tầm quốc gia dành cho học sinh tiểu học, THCS, THPT. * Kỳ HKPĐ lần thứ IX năm 2016 tổ chức thi đấu theo 5 khu vực (Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Dương, Cần Thơ). Vòng đấu HKPĐ cấp toàn quốc sẽ diễn ra tại Thanh Hóa và Nghệ An từ ngày 20-7 đến 10-8. * Kết quả thi đấu cụ thể của đoàn Hà Nội tại HKPĐ khu vưc II (tạm tính đến 20h ngày 28-4): Hà Nội nhất toàn đoàn với 58 HCV, 46 HCB, 57 HCĐ, vượt xa Hải Phòng xếp nhì với 34 HCV, 28 HCB, 28 HCĐ; Vĩnh Phúc xếp ba với 22 HCV, 31 HCB, 38 HCĐ… |