Dịp 30-4, 1-5: Không còn quá “nóng” chuyện tàu, xe

Giao thông - Ngày đăng : 07:06, 29/04/2016

(HNM) - Các phương tiện vận tải hành khách đường bộ, đường sắt, đường không đều sớm có phương án tăng tải cũng như bán vé, trong khi người dân cũng chủ động hơn trong việc mua vé nên dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, chuyện vé tàu, vé xe được dự báo sẽ không còn


Bến xe, nhà xe đã sẵn sàng

Theo ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty CP Bến xe (BX) Hà Nội, năm nay dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 cũng là ngày đầu hè, có nhiều điểm vui chơi, du lịch chọn làm thời điểm khai trương, nên lượng hành khách đi lại sẽ có biến động lớn trên cả 2 chiều: chiều hành khách từ Hà Nội đi các tỉnh (khách đi) và chiều hành khách từ các tỉnh về Hà Nội (khách về). Biến động theo hướng, lượng hành khách đi sẽ tăng trong thời gian đầu kỳ nghỉ và giảm vào cuối kỳ, lượng hành khách về sẽ có chiều hướng ngược lại. Dự kiến, lưu lượng hành khách tăng tập trung tại các tuyến đường có cự ly dưới 500km như tới: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Vinh, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang… Lưu lượng hành khách đi sẽ tập trung cao vào chiều tối ngày 29-4 và sáng ngày 30-4, dự kiến lượng khách sẽ tăng 2-3 lần so với ngày thường; sau đó giảm nhanh từ chiều ngày 30-4. Lưu lượng hành khách trở về Hà Nội về sẽ tập trung cao ngày 3-5.

Các bến xe, nhà ga đã sẵn sàng phục vụ hành khách trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.


Để bảo đảm nguồn phương tiện phục vụ hành khách trong dịp lễ, Công ty sẽ tăng cường kiểm tra và yêu cầu các đơn vị vận tải bảo đảm đưa đủ số lượng phương tiện đã ký hợp đồng vào hoạt động và tham gia đăng ký bổ sung xe tăng cường, huy động các phương tiện hoạt động trên các tuyến đường dài tăng cường cho các tuyến ngắn, điều động tăng cường linh hoạt giữa các tuyến. Công ty tổ chức ký hợp đồng xe tăng cường với một số đơn vị thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội để bổ sung một số phương tiện vận tải dự phòng phục vụ tăng cường giải tỏa khách trong ngày cao điểm. Sau thời gian nghỉ lễ, Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị xe buýt bố trí lượng xe buýt dự phòng sẵn sàng giải tỏa hành khách khi lượng khách từ các tỉnh về Hà Nội tăng đột biến.

Căn cứ đặc điểm phân bố luồng tuyến tại các BX và luồng hành khách đi lại, tại BX Giáp Bát lượng xe tăng cường sẽ tập trung chủ yếu ở các tuyến Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Điện Biên. BX Gia Lâm sẽ tăng trên các tuyến Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên. BX Mỹ Đình sẽ tăng cường cho các tuyến Phú Thọ, Cao Bằng, Cẩm Phả, Bãi Cháy, Vinh, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang. Dự kiến, xe tăng cường trên các bến chiều ngày 29-4 và 30-4 là khoảng 700 lượt xe. Trong đó, BX Giáp Bát 200 lượt xe/ngày. BX Mỹ Đình tăng 400 lượt xe/ngày. BX Gia Lâm tăng 100 lượt xe/ngày. Trong ngày 3-5, lượng khách từ các tỉnh trở về Hà Nội sẽ tăng cao, vì vậy nhu cầu tăng cường xe buýt để phục vụ chuyển tải hành khách từ các phương tiện liên tỉnh về Hà Nội. Tổng lượng xe dự kiến cần tăng cường là 400 lượt xe buýt, trong đó tại BX Giáp Bát là 150 lượt xe, BX Gia Lâm 100 lượt xe, BX Mỹ Đình 150 lượt xe. Các BX, nhà xe đều sẵn sàng phục vụ hành khách đi lại được thuận lợi nhất.

Máy bay, tàu hỏa hầu như kín chỗ

Chuẩn bị cho mùa cao điểm (từ ngày 28-4 đến ngày 4-5), Vietnam Airlines tăng thêm 136 chuyến bay một chiều trên 9 đường bay nội địa, nâng tổng tải cung ứng trong giai đoạn này đạt khoảng 250.000 ghế, tăng gần 10% so thường lệ và 35% so cùng kỳ, tập trung chủ yếu trên các đường bay giữa Hà Nội - Đà Nẵng/Nha Trang/Phú Quốc/Huế; TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc.

Cũng trong giai đoạn từ ngày 28-4 đến ngày 4-5, Vietjet tăng thêm 140 chuyến bay so với lịch bay thường lệ, nâng tổng số chuyến bay khai thác mỗi ngày lên 246 chuyến bay, tăng 66% so với cùng kỳ 2015. Các đường bay tăng nhiều chuyến là đi/đến các địa danh du lịch như: TP Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng (14 chuyến bay khứ hồi/ngày, tăng 4 chuyến); TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc (7 chuyến khứ hồi/ngày, tăng 2 chuyến); Hà Nội đi Phú Quốc (4 chuyến khứ hồi/ngày, tăng 2 chuyến), Hà Nội đi Đà Nẵng (10 chuyến khứ hồi/ngày, tăng 2 chuyến)…

Tăng tải, tăng chuyến liên tục như vậy, nhưng vé đến các tuyến điểm du lịch nổi tiếng của đất nước hầu hết đã kín chỗ ngay sau khi các hãng mở bán. Ông Nguyễn Thành Trung, Ngõ 670 Nguyễn Khoái (quận Hoàng Mai) cho biết, với các phương thức bán vé linh hoạt, từ cách đây cả tháng tôi đã "săn" vé cho cả gia đình đi TP Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ, những người nhiều kinh nghiệm "săn" vé máy bay đều đã mua từ trước, cung - cầu gặp nhau cũng là hợp lý...

Ngành Đường sắt cũng sớm có kế hoạch cho đợt phục vụ cao điểm này. Ngoài kế hoạch chạy tàu hiện hành, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách đi tàu trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chạy thêm tàu NA7, NA13, NA8 giữa Hà Nội - Vinh; chạy thêm tàu trên tuyến đường sắt Thống Nhất gồm tàu SE17/18 giữa Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại. Tàu QB1/2, QB3/4 giữa Hà Nội - Đồng Hới và ngược lại. Tàu NA3/4 giữa Hà Nội - Vinh và ngược lại.

Ghi nhận của PV Báo Hànộimới, trong những ngày gần đây, các tuyến tàu từ Hà Nội đến Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh… hầu như đã bán hết vé. Trong khi đó, các tuyến đến Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái…, việc mua vé khá dễ dàng. Theo Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội, nhiều tuyến vé bán hết sớm là do nhu cầu cao, nhưng một phần nữa là người dân càng ngày càng quen hơn với việc mua vé tàu trực tuyến. Qua hệ thống mạng, có thể dễ dàng biết tuyến nào còn nhiều hay ít vé, dễ dàng lựa chọn hành trình, thời gian đi tàu… Nhờ đó, tại các ga không còn tình trạng chen lấn mua vé, tình trạng "cò" vé cũng đã được giải quyết.

Tuấn Lương