Bài đầu: Hồi chuông báo động!

Xã hội - Ngày đăng : 06:16, 29/04/2016

(HNM) - Ở một


Bài đầu: Hồi chuông báo động!

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) xảy ra tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) xảy ra đúng thời điểm cả nước đang triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2016 một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mối hiểm họa đang rình rập trong mỗi bữa cơm công nhân.

Cần có những biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng bữa ăn công nhân.


Liên tiếp xảy ra ngộ độc

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 256 KCN, KCX, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Nhu cầu bữa ăn công nghiệp, tổ chức bếp ăn tập thể là rất lớn và không ngừng gia tăng để bảo đảm ăn ca cho hàng triệu người. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, tại bếp ăn tập thể ở các KCN, KCX, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ NĐTP với hơn 1.000 người mắc. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, năm 2015 là năm xảy ra nhiều vụ NĐTP từ các bếp ăn tập thể nhất, với hơn 30 vụ, hơn 3.000 người phải nhập viện. Riêng quý I-2016, toàn quốc ghi nhận 25 vụ NĐTP, 969 người mắc, 669 người đi viện và 2 trường hợp tử vong. Trong đó, có 8 vụ NĐTP tại bếp ăn tập thể, 4 vụ tại bếp ăn trường học...

Mới đây, ngày 27-4, Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã tiếp nhận 16 bệnh nhân đều đến từ Công ty Choi & Shin's Vina (ở xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nghi do NĐTP. Trước đó, ngày 21-4, tại KCN Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã xảy ra vụ NĐTP ở bếp ăn tập thể chung của 3 công ty, gồm: Công ty LISHENG, Công ty XINREN, Công ty SUNGJU, khiến 300 công nhân ngộ độc và phải nhập viện điều trị. Chưa kể, ngày 18-4, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (KCN Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đã hoảng hồn khi phát hiện có dòi bò ra từ suất ăn trưa tại nhà máy. Vào tháng 10-2015 cũng tại công ty này đã xảy ra vụ NĐTP khiến 48 công nhân nhập viện do rau ngót còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật…

Đánh giá nguy cơ NĐTP xảy ra tại KCN, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) - Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành trung ương về vệ sinh ATTP cho biết, bếp ăn tập thể cho công nhân và cơ sở chế biến suất ăn sẵn là khu vực có tần suất xảy ra NĐTP tập thể cao hơn các khu vực khác. Bởi vì nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn này rất đa dạng, khó kiểm soát nguồn gốc. Trong khi đó, nhiều cơ sở cung cấp suất ăn sẵn có quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở thủ công, khó đạt được yêu cầu về VSATTP. Phương tiện bảo quản, vận chuyển thực phẩm, dụng cụ chế biến… chưa đáp ứng đầy đủ và bảo đảm đúng tiêu chuẩn theo quy định.

Một nguyên nhân nữa khiến NĐTP luôn đe dọa các bếp ăn tập thể là do xu hướng các doanh nghiệp trong KCN sử dụng bữa ăn giá rẻ rất phổ biến. "Nhiều doanh nghiệp đặt suất ăn với giá chỉ từ 9.000-12.000 đồng/suất, chưa kể tới lợi nhuận của người nấu bếp, cơ sở cung cấp nên giá trị thực của mỗi suất ăn còn thấp hơn nhiều. Thậm chí, tôi đã trực tiếp xuống xóm trọ công nhân và chứng kiến bữa cơm của họ chỉ có giá 4.000 đồng/suất" - ông Phong nói.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, giống nòi

Thông thường, một suất cơm ở quán ăn bình dân có giá trung bình 25.000-30.000 đồng, trong khi bữa cơm của công nhân trong các KCN có giá rất rẻ như đã nói ở trên. Do đó, ngoài việc khó bảo đảm ATTP, xét về lượng và chất, suất cơm như vậy chưa thể bảo đảm dinh dưỡng để công nhân đủ năng lượng làm việc và yêu cầu tái tạo sức lao động.

Viện Dinh dưỡng quốc gia đã từng tiến hành một cuộc khảo sát về chất lượng suất ăn của công nhân tại các KCN, KCX. Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẩu phần của công nhân chỉ đáp ứng được 89,7% nhu cầu về năng lượng. Đặc biệt, khẩu phần của nữ công nhân bị thiếu năng lượng nhiều hơn nam. Riêng khẩu phần của nữ công nhân ở các ngành nghề lao động nhẹ chỉ đáp ứng được 77,7% nhu cầu về năng lượng. Không chỉ thiếu năng lượng, khẩu phần ăn của công nhân còn rất mất cân đối, thiếu chất cho sự phát triển cơ bắp. Cụ thể, năng lượng sản sinh từ protein chỉ có 12%, 16% chất béo, còn lại 72% là của các chất bột đường như: Gạo, khoai... Năng lượng từ khẩu phần ăn không đủ nên công nhân phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ trong cơ thể và sức khỏe của họ sẽ bị bào mỏng từng ngày. Điều đáng nói, những nữ công nhân trong độ tuổi sinh nở khi thiếu dinh dưỡng rất dễ sinh ra những đứa con suy dinh dưỡng và dễ mắc các chứng thiếu máu và nhiều hệ lụy khác.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu một lao động ăn đủ khẩu phần ăn thì năng suất lao động sẽ tăng 20%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, khi khuyến cáo các doanh nghiệp về tăng giá trị bữa ăn đều nhận được câu trả lời, nếu tăng giá trị suất ăn thì phải giảm lương và công nhân không đồng ý phương án này. Đây cũng chính là vấn đề khó trong việc quản lý ATTP trong các bếp ăn KCN hiện nay.

Rõ ràng giờ đây, người công nhân không chỉ lo đồng lương không đủ sống, sinh hoạt thiếu thốn mọi bề, mà họ còn phải đối mặt với chuyện bữa ăn ca không bảo đảm an toàn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng luôn trực chờ. Bài toán bao giờ các bếp ăn tập thể mới thật sự tạo yên tâm cho người lao động vẫn luôn là nỗi lo canh cánh...

Thu Trang