Cháy nổ tại di tích - nguyên nhân nhỏ, hậu họa lớn
Đời sống - Ngày đăng : 06:18, 06/04/2023
Báo cáo nhanh của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, 18h ngày 25-3 quầy để phục trang phục vụ khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn bất ngờ bốc cháy. Ngay lập tức, lực lượng túc trực tại đây đã sử dụng các biện pháp cứu hỏa, ngăn chặn kịp thời nguy cơ cháy lan sang các khu vực xung quanh. Kiểm tra hiện trạng, nguyên nhân ban đầu được xác định là chập cháy điện bên trong quầy. Dù thời gian phát hiện và dập cháy nhanh chóng, song toàn bộ 200 bộ trang phục đã bị hư hỏng, một số cấu kiện gỗ, vật dụng bị cháy xém...
Đáng nói, đây không phải vụ cháy đầu tiên xảy ra tại các di tích trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, đe dọa an nguy tới khối tài sản vô giá mà cha, ông ta để lại. Điểm lại những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra một, hai vụ việc cháy nổ tại các không gian di sản. Điển hình như, vụ cháy tại chùa Hòa Phúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai giữa năm 2022 đã khiến toàn bộ nhà Tứ ân và các hiện vật bên trong bị thiêu rụi. Năm 2020, cháy đền Tam Quan Lâm Du, phường Bồ Đề, quận Long Biên gây hư hại toàn bộ hạng mục kiến trúc chính và hầu hết hiện vật bên trong.
Cũng năm 2020, chùa Cự Đà, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm xảy ra cháy khiến tiền đường, thượng điện của chùa bị phá hỏng; cấu kiện gỗ và hệ thống đồ thờ đều bị than hóa. Tượng tự, vụ cháy tại chùa Linh Quang, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai làm toàn bộ nhà Tam bảo, các pho tượng gỗ quý... biến thành tro.
Năm 2019, ghi nhận vụ cháy lớn tại chùa Thanh Sơn, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn thiêu rụi toàn bộ 3 gian nhà cùng đồ thờ tự bên trong… hay năm 2016 cháy chùa Tĩnh Lâu, phường Bưởi, quận Tây Hồ khiến Nhà thờ Tổ cùng đồ thờ, tượng Phật hoàn toàn bị hư hại. Qua điều tra, hầu hết các vụ cháy đều có liên quan đến việc chập điện do hệ thống dẫn điện không bảo đảm; thói quen duy trì đèn, hương, nến nhưng lơ là, chủ quan, thiếu giám sát…
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, phần lớn di tích đình, đền, chùa… được làm bằng gỗ. Đồ thờ tự cũng làm bằng những nguyên liệu dễ cháy, cộng thêm nhu cầu dâng cúng hương, nến, vàng mã… quanh năm, khiến nơi đây luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Nếu thiếu biện pháp ngăn chặn thì khi xảy ra sự cố, thiệt hại là rất lớn. Đây cũng là lo lắng của nhiều người dân. Bà Lê Hương Giang (phố Đinh Liệt, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Quầy để đồ nằm cách cầu Thê Húc không xa, đe dọa an toàn cho công trình mang tích biểu tượng của Thủ đô và cả nước. Nếu thời điểm xảy ra cháy vào nửa đêm về sáng, không biết công tác cứu hỏa có kịp thời như vừa rồi không?”.
Có thể thấy, vụ cháy mới đây tại Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn tiếp tục đặt ra những cảnh báo về cháy nổ tại di tích. Dù nguyên nhân có thể rất nhỏ nhưng hậu họa lại rất lớn bởi nguy cơ mất mát di sản văn hóa, những tài nguyên không có cách nào khôi phục được.
Theo Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, ngay sau vụ cháy tại đền Ngọc Sơn, ngành Văn hóa Thủ đô đã có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã yêu cầu tăng cường những biện pháp phòng, chống cháy nổ, như: Kiểm tra, rà soát hệ thống phương tiện phòng cháy, chữa cháy để kịp thời bổ sung, thay thế phương tiện thiếu, hỏng; tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người bảo vệ, trông coi các di tích; lắp đặt hệ thống camera giám sát bảo vệ di tích nói chung, phòng, chống nguy cơ cháy nổ nói riêng; triển khai tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm cho mọi tầng lớp nhân dân trong phòng cháy, chữa cháy tại di tích…
“Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã đề xuất với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã triển khai diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại các bảo tàng, di tích. Trước mắt là diễn tập thí điểm công tác này tại chính Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn trong tháng 4 này”, ông Nguyễn Doãn Văn thông tin.