Năm 2022: Xuất khẩu gạo vượt kỳ vọng
Nông nghiệp - Ngày đăng : 12:10, 21/12/2022
Đột phá ở nhiều thị trường
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong 11 tháng của năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đã đạt hơn 6,68 triệu tấn, tương đương hơn 3,24 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với 11 tháng năm trước. Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, với đà này, năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD là con số vượt kỳ vọng của mặt hàng này bởi năm 2022 rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung, trong đó có xuất khẩu nông sản.
Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết, đến tháng 10-2022, công ty đã xuất khẩu trên 200.000 tấn gạo các loại, vượt kế hoạch đề ra trong cả năm 2022. Công ty đang hoàn thành những đơn hàng cuối năm.
Phân tích về những thành công trong xuất khẩu lúa gạo năm 2022, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, ngành gạo Việt Nam trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như: Mỹ tăng khoảng 84,8%; thị trường EU tăng 82,2%. Dự báo xuất khẩu gạo năm 2022 vượt 6,5 triệu tấn, mức giá cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Năm 2022 là một năm có rất nhiều biến động trên thị trường khi đầu năm giá gạo đi xuống và phải đến quý III, giá gạo mới tăng. Tuy nhiên có thể khẳng định, năm 2022 tiếp tục là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu và sản xuất lương thực Việt Nam. Ước đến hết năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được trên 7 triệu tấn gạo.
Điểm đáng chú ý nữa là giá gạo xuất khẩu Việt Nam ghi nhận tăng mạnh ở những năm gần đây và năm 2022 duy trì ở mức cao. Theo VFA, trong năm 2022, có thời điểm giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam vượt qua Thái Lan và đứng đầu thế giới. Đơn cử, trong tháng 11-2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn, còn Việt Nam ghi nhận mức 447 USD/tấn. Với mức này, giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 7 USD/tấn.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo cuối năm và đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng. Nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% cùng tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới thì đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Tiếp tục duy trì ở những thị trường lớn
Về thị trường, 11 tháng qua, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, tăng 30% về lượng và 18% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 807.947 tấn. Thứ 3 là thị trường Bờ Biển Ngà tăng mạnh 83% về lượng và tăng 61,3% kim ngạch.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang khối các thị trường RCEP (RCEP - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand 11 tháng qua tăng 17% về lượng, tăng 9,1% kim ngạch; khối EU tăng 17% về lượng, tăng 0,4% kim ngạch...
Với sự đột phá mới về thị trường đã giúp xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về giá trị và số lượng. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, giá gạo thơm xuất khẩu tới thị trường Trung Đông, châu Âu của doanh nghiệp này trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn - đây là giá xuất khẩu cao đối với mặt hàng lúa gạo trong nhiều năm nay.
Nhận định về xuất khẩu lúa gạo năm 2022, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.
“Năm 2023 tiếp tục là năm khả quan với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì gạo là lương thực thiết yếu mà quốc gia nào cũng cần, trong khi nguồn cung gạo của nhiều quốc gia bị thu hẹp lại do biến đổi khí hậu”, ông Nam nhấn mạnh.
Cùng với thuận lợi, xuất khẩu gạo cũng sẽ đối diện với khó khăn về nguồn vốn và room tín dụng, đồng thời tiếp tục duy trì cả thị trường truyền thống lẫn thị trường mới. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các bộ, ngành đề xuất tháo gỡ khó khăn đối với các gói tín dụng cho vay sản xuất, xuất khẩu nông sản với Chính phủ. Về mặt thị trường, Bộ sẽ cùng Bộ Công Thương hỗ trợ, tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại đi các thị trường mới, trọng điểm như Trung Đông, EU… Bên cạnh đó, ngay tại nội địa, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều hội thảo kết nối giao thương trực tiếp cho doanh nghiệp với nhà nhập khẩu quốc tế.