Nối dài dòng chảy văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 07:17, 27/04/2016
Nhã nhạc cung đình - chương trình nghệ thuật hấp dẫn tại các kỳ Festival Huế. |
Nhiều điểm mới
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng BTC Festival Huế năm 2016 cho biết, ngoài các hoạt động tạo nên thương hiệu cho Festival Huế như chương trình nghệ thuật khai mạc, lễ bế mạc ấn tượng, lễ Tế Giao, Đêm Hoàng cung… du khách đến với Festival năm nay còn có cơ hội trải nghiệm lễ hội Đèn Quảng Chiếu lần đầu tiên được phục dựng, lắng nghe những giai điệu trữ tình, sâu lắng trong chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, Huế dịu dàng - Về miền Hương Ngự, tìm hiểu văn hóa truyền thống qua các triển lãm chuyên đề…
Lễ hội Đèn Quảng Chiếu do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức diễn ra vào chiều tối ngày 1-5, tại công viên Thương Bạc (TP Huế). Còn chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, với tên gọi "Người đi hành hương" diễn ra tối 1-5, tại công viên mang tên ông là sự tri ân của người dân Huế và những người yêu nhạc Trịnh trước cống hiến của người nhạc sĩ tài hoa với nền âm nhạc nước nhà. Đêm nhạc gồm những ca khúc đi vào lòng người, đi cùng năm tháng sẽ được các nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện.
Và lần đầu tiên chương trình nghệ thuật tổng hợp "Huế dịu dàng - về miền Hương Ngự" phục vụ miễn phí khách tham quan sẽ diễn ra tại đình làng cổ Kim Long, bên dòng Sông Hương thơ mộng trong hai ngày 1 và 2-5. Theo nhà thiết kế Viết Bảo, tổng đạo diễn chương trình, "Huế dịu dàng - về miền Hương Ngự" với điểm nhấn là trình diễn thời trang và đêm hội áo dài, biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế, chầu văn, lục cúng hoa đăng… sẽ là nơi "gặp gỡ" của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, giúp du khách trong nước, quốc tế hiểu hơn về các di sản của đất Cố đô nói riêng, Việt Nam nói chung.
Nét mới của Festival Huế năm nay còn rõ nét hơn qua các hoạt động song hành cùng các kỳ festival. Lấy cảm hứng từ cuộc sống cung đình xưa, "Đêm Hoàng cung" tiếp tục tái hiện sinh động vẻ đẹp lung linh của hoàng cung triều Nguyễn về đêm, song chương trình năm nay được bổ sung một số nội dung cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng. "Chương trình sẽ bắt đầu với lễ đổi gác diễn ra trước Ngọ Môn và tiếp diễn ở trục Trung tâm, Tây - Đông điện Thái Hòa và trong Hoàng thành. Nghi thức yến tiệc Hoàng cung sẽ có sự tham gia của nghệ nhân ẩm thực cung đình Hồ Thị Hoàng Anh, cháu nội của vị Đội trưởng đội Thượng thiện cuối cùng triều Nguyễn" - Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết.
Một trong những điểm nhấn của Festival Huế là hoạt động "Âm sắc Việt" cũng sẽ có sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân đến từ CLB Nhã nhạc - Ca Huế Phú Xuân (TP Huế), CLB Ca trù Thái Hà (Hà Nội); Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi (Quảng Ngãi), CLB Đàn và hát Dân ca (Đà Nẵng)... Những điểm mới thú vị ấy hứa hẹn sẽ tạo nên sự hấp dẫn cho Festival Huế năm nay.
Kết nối cộng đồng, tôn vinh di sản
Như tinh thần của các kỳ Festival trước, mục tiêu kết nối, tôn vinh cộng đồng - chủ thể sáng tạo văn hóa được BTC Festival Huế năm 2016 đặc biệt quan tâm. Trên tinh thần đó, lễ hội "Hương xưa làng cổ" vẫn được duy trì tổ chức tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền). "Chợ quê ngày hội" tái hiện phiên chợ quê đặc trưng của người nông dân Huế xen kẽ với các trò chơi dân gian diễn ra trong không gian thanh bình ở xã Thanh Thủy (thị xã Hương Thủy) dự kiến sẽ là điểm đến hấp dẫn.
Ngoài ra, Festival Huế năm 2016 còn có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều quốc gia ở 5 châu lục, trong đó có một số đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ nổi tiếng như: Đoàn nghệ thuật đường phố L'Homme De bout (Pháp), ban nhạc Cancer (Đan Mạch); đoàn múa dân gian Amurskie Zori (Nga); đoàn múa nghệ thuật tổng hợp Quảng Đông (Trung Quốc)… "Các đoàn nghệ thuật tiêu biểu mang đến Festival Huế các tiết mục biểu diễn đặc sắc, đậm đặc dấu ấn của các nền văn hóa khác nhau sẽ góp phần đưa văn hóa Huế nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung cộng hưởng, lan tỏa cùng văn hóa thế giới." - Ông Nguyễn Dung khẳng định.
Không chỉ giao lưu văn hóa, nhiều hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Festival Huế năm 2016 còn là sự tiếp nối dòng chảy của văn hóa Việt Nam. Điển hình là triển lãm "Nghìn năm kể chuyện" giới thiệu tới công chúng nhiều hiện vật quý, từ công cụ lao động sản xuất, trang sức, đồ tùy táng thời văn hóa Sa Huỳnh, đến các tác phẩm gốm sứ được tạo tác bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân qua nhiều triều đại.
Tương tự, hàng trăm sản phẩm, hiện vật của các làng nghề thủ công truyền thống mang dấu ấn văn hóa kinh đô Huế và khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Huế… Các hoạt động này đã được BTC Festival Huế năm 2016 phối hợp với các địa phương, đơn vị chức năng chuẩn bị chu đáo. Tất cả đã sẵn sàng cho kỳ Festival được tổ chức đúng kỳ nghỉ lễ 30-4 diễn ra an toàn, hấp dẫn.