Cần tận dụng ưu thế của thương mại điện tử
Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 27/04/2016
Thương mại điện tử vượt mức 4 tỷ USD
Hơn 4 tỷ USD là tổng doanh thu bán hàng qua hình thức TMĐT tại Việt Nam trong năm 2015, tăng 37% so với năm trước, chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đây là số liệu mới nhất do Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (CNTT- Bộ Công thương) vừa công bố vào trung tuần tháng 4-2016. Theo báo cáo này, các sản phẩm máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng, thời trang và phụ kiện là nhóm mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên các sàn TMĐT (cùng tỷ lệ 23%); nhóm dịch vụ bất động sản chiếm 12%; thực phẩm và đồ uống chiếm 10%; dịch vụ lưu trú và du lịch chiếm 8%. Bên cạnh đó, những website TMĐT của các DN có doanh thu lớn hầu hết thuộc nhóm kinh doanh các mặt hàng, như vé máy bay, đồ điện lạnh, điện tử và kỹ thuật số, thiết bị âm thanh, hình ảnh…
Nếu tận dụng hiệu quả ưu thế của thương mại điện tử, doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển thị trường. |
Theo số liệu do Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Alibaba tại Việt Nam công bố mới đây, với dân số hơn 90 triệu người, 45% trong số đó dùng internet, giá trị mua hàng của mỗi cá nhân trung bình khoảng 160 USD/năm, tỷ lệ mua sắm trực tuyến lên tới 62%, quy mô thị trường TMĐT khoảng 4,07 tỷ USD… Kết quả này cho thấy, việc phát triển TMĐT tại Việt Nam tương đối khả quan, thậm chí còn cao hơn so với Indonesia.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT - CNTT) cho biết, nhiều năm qua Bộ Công thương đã tham mưu, tư vấn cho Chính phủ để xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong kinh doanh; tổ chức nhiều chương trình để DN, khách hàng tham gia trực tiếp và đã đạt được hiệu quả cao.
Chưa nhiều doanh nghiệp chú trọng
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định: TMĐT ngày càng trở thành một phương thức hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh. Không chỉ giúp DN giảm chi phí giao dịch, giảm các khâu trung gian và tạo ra sân chơi bình đẳng, TMĐT còn mang lại nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt khi thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu… đều có tỷ lệ sử dụng internet rất cao. Thay vì cử những đoàn công tác đi tìm đối tác xuất khẩu, một số DN đã chuyển sang tiếp cận, mở rộng thị trường tiềm năng, tìm kiếm đối tác qua kênh TMĐT. Tuy nhiên, hình thức TMĐT mới được một bộ phận nhỏ DN có quy mô lớn chú trọng phát triển, còn hầu hết DN nhỏ và vừa mới chỉ áp dụng chủ yếu ở việc xây dựng trang web giới thiệu DN, sản phẩm, điều hành khối văn phòng… Vì vậy, doanh số bán hàng trực tuyến chưa cao.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, những hạn chế trên xuất phát từ chi phí mà các DN phải trả cho dịch vụ TMĐT khá cao, ước tính khoảng 20% tổng doanh thu, chưa kể chi phí duy trì hoạt động quảng cáo trực tuyến. Bên cạnh đó, những khó khăn như nguồn nhân lực và trình độ nhân sự thông thạo CNTT còn kém; môi trường pháp lý và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội dù đã được cải thiện nhưng vẫn là những yếu tố cản trở việc ứng dụng TMĐT của DN. Hơn nữa, nhận thức về luật của các DN nhỏ và vừa còn thấp, dẫn tới nhiều vụ tranh chấp, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực TMĐT, trong khi quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo vệ khi tham gia giao dịch. Nhiều DN chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của luật khi mở các trang web bán hàng trực tuyến, đã có không ít khách hàng phản hồi về việc mua phải hàng giả, hàng vi phạm bản quyền...
Đánh giá công tác thực thi pháp luật về TMĐT, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT - CNTT cho biết, trong vòng 5 năm tới, thị trường TMĐT sẽ bùng nổ mạnh. Hạ tầng internet, CNTT truyền thông cho TMĐT phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công. Vì vậy, tình hình vi phạm trong TMĐT sẽ diễn biến phức tạp, với xu hướng ngày càng tinh vi hơn về cả quy mô và mức độ. Để đấu tranh với loại tội phạm này, Cục TMĐT - CNTT sẽ đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật, phối hợp với các ngành liên quan trong việc xử lý các hành vi lợi dụng TMĐT để trục lợi, lừa đảo… Cục TMĐT - CNTT sẽ tăng cường cảnh báo tới người tiêu dùng, nhằm mục tiêu minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm lòng tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến.
Như vậy, cùng với việc khắc phục kịp thời những hạn chế trên, các DN sản xuất, xuất nhập khẩu cần có sự đầu tư thích đáng về nhân lực và CNTT để thu được hiệu quả thiết thực từ TMĐT.