Xuất khẩu cà phê: Sẽ sụt giảm mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 27/04/2016
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định: Năm 2016, xuất khẩu cà phê sẽ giảm tới 25% so với năm trước. Hiện tại, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm "cứu" sản xuất cà phê, ngăn chặn đà sụt giảm này.
Nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu tại Tây Nguyên. |
30% diện tích bị ảnh hưởng
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, đợt hạn hán vừa qua không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lúa, màu mà cả các cây trồng khác. Dự báo, tại tỉnh Đắc Lắc - nơi đóng góp 30% sản lượng cà phê cả nước cho thấy, sản lượng cà phê của tỉnh giảm hơn 30% trong niên vụ 2016-2017, xuống mức thấp nhất trong thập kỷ qua.
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Vicofa cho biết: Sản xuất cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán tồi tệ nhất suốt ba thập kỷ qua. Thiếu nước, khô hạn đe dọa trên 165.000ha (gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó, tới 40.000ha bị hư hỏng. Dự kiến năm 2016, Việt Nam có khả năng chỉ xuất khẩu 1 triệu tấn cà phê nhân, giảm 25% so với 2015. Trong khi đó, lượng tồn kho trong dân không nhiều.
Ngoài hạn hán, diện tích cà phê già cỗi tại các tỉnh Tây Nguyên cũng khá lớn. Trong hơn 450.000ha cà phê của khu vực này, hiện đã có khoảng 120.000ha bị già cỗi (hơn 20 năm tuổi), năng suất dưới 1,5tấn/ha. Dự tính, đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở khu vực này sẽ lâm vào tình trạng tương tự. Ngay tại tỉnh Đắc Lắc - địa phương có diện tích cà phê lớn nhất Tây Nguyên với hơn 190.000ha - cũng đã có hơn 60.000ha cà phê ở tuổi 18 - 25 năm và bắt đầu "lão hóa", phải phục hồi hoặc trồng tái canh.
Dồn sức "cứu"
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, để giải quyết vấn đề sụt giảm xuất khẩu cà phê trong những năm tiếp theo, các tỉnh Tây Nguyên cần khắc phục được tình trạng hạn hán và tập trung tái canh cà phê. Theo quy hoạch, đến năm 2020 các tỉnh Tây Nguyên sẽ tái canh trên 120.000ha cà phê. Tuy nhiên, thống kê của các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, hiện vùng này mới tái canh được trên chừng 1/4 con số này. Mặc dù Nhà nước đã có nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân thực hiện tái canh nhưng số hộ tiếp cận được nguồn vốn này rất ít do yêu cầu, thủ tục còn khó khăn.
Trước mắt, để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán, "giải cứu" thành công sản xuất cà phê, các vườn nên áp dụng các biện pháp như trồng cây che bóng hoặc trồng xen, đa dạng hóa sản phẩm trong vườn cà phê, sử dụng phân hữu cơ, công nghệ tưới nước tiên tiến tiết kiệm. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng các giống mới có khả năng chịu hạn và cho năng suất cao như giống lai đa dòng mới TRS1 đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Một vài tỉnh Tây Nguyên đã yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động tăng cường các giải pháp phòng và chống hạn nhằm bảo vệ sản xuất, như tiến hành nạo vét các tuyến kênh dẫn, đắp đập tạm để giữ nước, lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm nước từ sông suối, đào và khoan giếng để khai thác nước ngầm… Tuy nhiên, về lâu dài các cơ quan chức năng cần có những chủ trương và giải pháp về thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực này. Đối với vấn đề tái canh cà phê, Bộ NN&PTNT khuyến cáo, các tỉnh nên tái canh gối vụ trên từng diện tích để vườn cà phê vẫn cho năng suất nhằm bảo đảm thu nhập cho nông dân.