Khó xử lý vi phạm trên đường Vành đai 3

Giao thông - Ngày đăng : 06:10, 06/04/2023

(HNM) - Làn dừng khẩn cấp đường Vành đai 3 trên cao chỉ cho phép các phương tiện dừng, đỗ khi gặp sự cố; một số phương tiện ưu tiên, lực lượng làm nhiệm vụ được phép lưu thông... Song, hiện nay rất nhiều người điều khiển phương tiện đi vào làn đường này. Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý những vi phạm do một số bất cập nội tại của tuyến đường...

Nhiều lái xe điều khiển phương tiện đi vào làn dừng khẩn cấp đường Vành đai 3 trên cao, đoạn qua quận Hoàng Mai, ngày 4-4.

Vẫn còn vi phạm

Vành đai 3 là tuyến giao thông đường bộ quan trọng, đi qua nhiều quận, huyện của thành phố Hà Nội. Trong đó, Vành đai 3 trên cao tính từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì có chiều dài khoảng 30km. Đây là đoạn kết nối với một số tuyến đường cao tốc, các trục đường hướng tâm của Thủ đô, các khu đô thị mới và là một trong 2 tuyến đường chính lên sân bay Nội Bài nên thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ngày nghỉ, lễ, Tết…

Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới vào ngày 3 và 4-4 cho thấy, dù không xảy ra ùn tắc nhưng đoạn Vành đai 3 trên cao qua địa phận quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai vẫn có nhiều phương tiện, thậm chí cả xe máy (phương tiện không được phép đi vào) đi vào làn khẩn cấp với tốc độ rất nhanh. Trong 2 đoạn hình ảnh phóng viên ghi lại sáng 4-4, chỉ trong 2 phút 25 giây nhưng có đến 31 xe đi vào làn khẩn cấp. Điển hình như các xe khách và tải trọng lớn có biển kiểm soát như: 51B-020.xx, 29B-516.xx, 99B-022.xx, 90R-004.xx, xe khách tuyến Bắc Giang - Yên Nghĩa 98B-008.xx..., các xe limousine như: 18F-002.xx, 29B-062.xx…

Về thực trạng trên, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) phân tích, do ý thức của nhiều lái xe còn hạn chế. Dù biết tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao nhưng lái xe vẫn vi phạm. Ngoài ra, một lý do rất lớn - đó là tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, bình quân trên 124.000 lượt phương tiện/ngày - đêm, trong khi theo thiết kế chỉ 15.000 lượt phương tiện/ngày - đêm nên thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ; chưa kể, các điểm giao cắt lên xuống một số đoạn gần nhau nên gây nhiều xung đột... Để thoát khỏi những điểm ùn tắc này, các phương tiện “né” bằng cách đi vào làn khẩn cấp.

Các Đội Cảnh sát giao thông số 5, 6, 7, 14 - các đội quản lý tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn qua thành phố Hà Nội hiện đang gặp không ít khó khăn trong việc xử lý những phương tiện vi phạm do lực lượng quá mỏng, trong khi địa bàn rộng. Chưa kể, hệ thống biển báo giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 trên cao chưa đồng bộ; việc tổ chức giao thông còn nhiều bất cập. Riêng tại đoạn đầu cầu Thanh Trì, vừa cắm biển phân làn, vừa cắm biển cấm phương tiện ô tô dẫn đến chồng chéo trong việc tổ chức giao thông, khó khăn trong xác định hành vi vi phạm…

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra một phương tiện đi vào làn dừng khẩn cấp đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Lê Khánh

Cần giải pháp căn cơ

Trước thực trạng trên, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội thực hiện những giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến đường Vành đai 3. Chỉ từ ngày 20-9 đến ngày 20-10-2022, các lực lượng đã ghi hình 457 trường hợp đi vào làn khẩn cấp và dừng, đỗ xe không đúng quy định...

Cũng trong thời gian này, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã yêu cầu các Đội Cảnh sát giao thông số 5, 6, 7, 14 xử lý nghiêm những vi phạm trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao; riêng Đội Cảnh sát giao thông số 14 xử lý 35 trường hợp. Sau đó, các lực lượng chức năng vẫn duy trì tuần tra, kiểm soát.

Theo đánh giá của Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), việc duy trì tuần tra, kiểm soát thường xuyên kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Đặc biệt, trường hợp đi vào làn khẩn cấp, dừng, đỗ sai quy định đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng, vi phạm lại tái diễn. Vì thế, rất cần thêm các đợt ra quân của lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa vi phạm.

Cũng với mục tiêu hạn chế vi phạm, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) đề xuất, cấp thẩm quyền nên nghiên cứu hạn chế phương tiện vận tải lớn theo các khung giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc và va chạm giao thông. Trong khi nguồn nhân lực duy trì trật tự an toàn giao thông trên tuyến rất mỏng, thì camera là nguồn hỗ trợ đắc lực trong giám sát, xử lý vi phạm thông qua “phạt nguội”. Song, tiếc là, nhiều camera trên tuyến bị lỗi, hỏng, dẫn đến hiệu quả xử lý vi phạm chưa như mong muốn. Hạn chế này rất cần được đơn vị quản lý khắc phục ngay… Bên cạnh đó, việc bổ sung đầy đủ biển báo giao thông cũng là cách tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và xử lý vi phạm giao thông trên tuyến.

Như vậy, những hạn chế, tồn tại trên tuyến đường Vành đai 3 đã được nhận diện khá đầy đủ. Chỉ khi những tồn tại cố hữu này được khắc phục thì công tác xử lý vi phạm mới hiệu quả và pháp luật về giao thông đường bộ mới được thực thi nghiêm.

Thiện - Hà