Trưng bày hơn 400 hình ảnh, hiện vật tiêu biểu về “Ký ức chiến tranh”
Văn hóa - Ngày đăng : 17:55, 26/04/2016
(HNMO)- Chiều 26/4, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã khai mạc triển lãm cuộc “Ký ức chiến tranh”. Triển lãm trưng bày hơn 400 hình ảnh, hiện vật do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sưu tầm, tiếp nhận từ 2010 đến 2015.
ăm 2010 đến 2015.
Triển lãm do Bảo tàng LSQS Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Đặc công, Bảo tàng Tiền tệ phối hợp tổ chức chào mừng kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2016); 62 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2016); 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2016).
Hơn 400 hình ảnh, hiện vật tiêu biểu được Bảo tàng LSQS Việt Nam trưng bày chia làm bốn phần gồm: “Việt Nam - Cuộc chiến ác liệt”, “Những kỷ vật trở về từ phía bên kia”, “Những kỷ vật sống mãi với thời gian”, “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Đây là những bức ảnh đã từng gây chấn động dư luận thế giới một thời về chiến tranh Việt Nam, do Hãng thông tấn AP (Mỹ) trao tặng. Trong số này, nhiều bức ảnh đã giành giải thưởng Pulitzer. Tiêu biểu là bức ảnh: “Nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1963)” của Malcolm Browne; “Tổng trưởng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém, người bị tình nghi là Quân giải phóng trên một con phố Sài Gòn trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968)” của phóng viên Eddie Adams; “Em bé Napalm – Kim Phúc (1972)” của phóng viên Nick Út… Những bức ảnh này góp phần phản ánh toàn cảnh cuộc chiến ác liệt ở Việt Nam, giúp cho nhân dân các nước trên thế giới kể cả nhân dân Mỹ hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa Mỹ đã gây ra ở Việt Nam và cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc Việt Nam để giành thắng lợi trong cuộc chiến.
Phần thứ hai: “Những kỷ vật trở về từ phía bên kia” giới thiệu những hình ảnh, hiện vật là kỷ vật của bộ đội ta do cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam trao trả. Tiêu biểu là Lá cờ Đảng do cựu chiến binh Mỹ Thomas Smith trao lại cho Bảo tàng LSQS Việt Nam. Tại buổi trao tặng lá cờ này, ông xúc động nói “Người lính Việt Nam không sợ chết và dường như không nghĩ đến cái chết… Rất tiếc tôi không có thông tin gì về người giữ lá cờ này nhưng tôi nghĩ anh ấy đã về nhà. Tôi trở thành người tốt hơn nhờ anh ấy… Anh thực sự là người bạn vô hình của tôi”.
Cuốn “Nhật ký bằng tranh” của họa sĩ Lê Đức Tuấn sau hơn 40 năm lưu lạc ở nửa bên kia trái đất được trao trả cho chủ nhân của nó qua hành trình đầy khó khăn do thông tin về tác giả quá mơ hồ. Thậm chí khi tác phẩm này được Bảo tàng LSQS Việt Nam phối hợp với Báo Tiền phong, Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản, vẫn còn 3 bức tranh rời trong tập tranh này chưa được trao trả. Tại buổi ra mắt cuốn “Nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn - Trở về từ phía bên kia” được tổ chức vào ngày 17/9/2010, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak đã trao bổ sung 3 bức tranh còn thiếu trong cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam do cựu binh Mỹ Patrick Mc Makin từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1970 trao lại thông qua Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong thư gửi Đại tướng Phạm Văn Trà, Patrick Mc Makin viết: “Tôi rất vui được gửi trả nó về Việt Nam cho bảo tàng của ngài vì tôi biết nó sẽ được công chúng chiêm ngưỡng và qua đó thấy được những gian khổ của cuộc chiến…Tôi hy vọng, một ngày nào đó, tôi có thể chiêm ngưỡng nó trong bảo tàng”.
Phần thứ ba: “Những kỷ vật sống mãi với thời gian” giới thiệu những hiện vật, sưu tập hiện vật gắn với những sự kiện, con người tiêu biểu, phản ánh những chiến công, những đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân ta trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiêu biểu là Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Thư của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Thư của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, “Quyết tâm thư” của Đại đội súng máy phòng không mang tên Phùng Chí Kiên, Nhật ký của đồng chí Nguyễn Văn Hợi, chiến sĩ Tiểu đoàn K3 Tam Đảo, Cờ đơn vị anh hùng và 143 Huân chương chiến công giải phóng tặng cho tập thể và các cá nhân Đoàn đặc công 367, sưu tập giấy chứng nhận và huy hiệu dũng sĩ các loại của các chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam… Đây là những kỷ vật chiến tranh sống mãi với thời gian, nhắc chúng ta về một thời oanh liệt đã qua.
Phần bốn “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” giới thiệu bộ ảnh phản ánh quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau chiến tranh do Hội Việt-Mỹ trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Phần này, thể hiện truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước đi quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.
Triển lãm “Ký ức chiến tranh” là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Triển lãm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trên cơ sở đó, động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, củng cố ý chí và quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một số hình ảnh tiêu biểu tại triển lãm “Ký ức chiến tranh” :
| Bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm – Kim Phúc (1972)” của phóng viên Nick Út |
|
| Bức ảnh “Nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1963)” của Malcolm Browne |
|
| Bức ảnh “Tổng trưởng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém, người bị tình nghi là Quân giải phóng trên một con phố Sài Gòn trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968)” của phóng viên Eddie Adams |
|
| Một người bị tình nghi là Quân giải phóng bị tra khảo dưới họng súng của một sĩ quan cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, tại Tam Kỳ (Quảng Nam), tháng 11-1967. |
|
| Một lính dù bị thương thuộc Sư đoàn không vận 101 đang được 2 nhân viên y tế dìu qua trận mưa lớn sau khi được sơ tán từ núi Ấp Bia trong trận đánh ác liệt kéo dài 10 ngày, tháng 5-1969. |
|
| Lính Mỹ bị thương được vận chuyển tới máy bay trực thăng để về Sài Gòn, tháng 9-1965. |
|
| Một người cha đau đớn ôm thi hài của con mình trong khi binh lính Việt Nam Cộng hòa nhìn xuống từ xe bọc thép, ngày 19-3-1964. |
|
| Trong những giờ phút cuối cùng hỗn loạn của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhân viên Hải quân Mỹ trên tàu SS Blue Ridge đẩy một chiếc trực thăng xuống biển để lấy chỗ cho các chuyến bay di tản khỏi Sài Gòn, ngày 29-4-1975. |
|
| Một chiếc xe tăng với bộ đội của chính phủ Cách mạng Lâm thời tiến qua cổng của dinh Tổng thống ở Sài Gòn ngày 01/5/1975 |
|
|
|
|