Ba điểm yếu “chết người” của ngành phần mềm, dịch vụ công nghệ Việt
Xe++ - Ngày đăng : 07:36, 26/04/2016
Ông Trương Gia Bình (trái) thay mặt VINASA nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+) |
Thiếu kỹ năng bán hàng
- Chúc mừng ông tái đắc cử chức vụ Chủ tịch VINASA (Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam). Là người đứng đầu hiệp hội, ông đánh giá thế nào về những mặt tích cực cũng như tồn tại của ngành phần mềm Việt Nam trong 5 năm qua?
Ông Trương Gia Bình: Ngành phần mềm Việt Nam trong những năm qua tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 vừa qua, doanh số phần mềm và dịch vụ xuất khẩu nói riêng đã đạt từ 2 tỷ USD lên trên 3 tỷ USD.
Trên thực tế, ngành phần mềm đang đi vào tất cả các ngành kinh tế, tất cả các hoạt động xã hội, trở thành hạ tầng của hạ tầng và là phương thức mới phát triển đất nước.
Tuy nhiên, nhìn lại, có thể thấy rằng chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn nữa. Thứ nhất là việc phải tăng cường hợp tác vùng miền, Bắc-Trung-Nam phải phát triển gắn bó hơn, mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, chúng tôi cũng chưa làm được gì nhiều cho khởi nghiệp để Việt Nam có nhiều Nguyễn Hà Đông [“cha đẻ” trò chơi Flappy Bird nổi tiếng-pv] hơn nữa.
Tại Đại hội lần thứ IV của VINASA, chúng tôi đã bàn và đưa vào chương trình hành động các nội dung này để khắc phục các điểm yếu nói trên.
- Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn các đối tác nước ngoài về gia công phần mềm. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nếu chúng ta không biết giữ thì trong có thể các đối tác sẽ hướng sang các quốc gia khác. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Ông Trương Gia Bình: Để trở thành quốc gia phát triển phần mềm không dễ. Quốc gia đó cần phải có doanh số cỡ như Việt Nam, khoảng 100 triệu dân; tuổi lao động phải là tuổi vàng và phải có năng lực học hỏi cũng như tương đối giỏi về các môn khoa học tự nhiên hoặc máy tính.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không nhanh chóng nâng cấp các dịch vụ của mình lên thì sẽ đối mặt với việc cạnh tranh về giá cả. Điều mà các doanh nghiệp cần phải khẩn trương hiện nay là đi nhanh chóng vào những công nghệ mới, khi mà cả thế giới đang thiếu hụt trầm trọng như Internet vạn vật (Internet of Things - IoT). Nếu Việt Nam xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng nắm chắc công nghệ IoT thì sẽ có một tương lai tốt.
- Theo ông, đâu là điểm yếu trong các doanh nghiệp phần mềm Việt?
Ông Trương Gia Bình: Sự tăng trưởng thời gian qua cho thấy chúng ta đi đúng đường. Tuy nhiên, để trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin thì vẫn còn quá nhiều việc phải làm.
Tôi có thể kể 3 cái yếu của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay. Thứ nhất là ngoại ngữ, kể cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Đây là điểm thua thiệt của Việt Nam so với những nước như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines.
Điều thứ hai là chuyên môn. Vấn đề không phải chỉ là chuyên môn về công nghệ thông tin mà khi làm phần mềm, bạn phải nắm vững rõ về các ngành khác như năng lượng, dầu khí, hàng không, vận tải, y tế… để từ đó phát triển công nghệ phù hợp.
Và cái thiếu thứ ba là chúng ta cũng chưa quen bán hàng ra thế giới. Những người bán hàng phải có mạng lưới quan hệ, có những kỹ năng nhất định và người Việt Nam bị đánh giá là bán hàng thua xa Trung Quốc và Ấn Độ.
Làm gì để có nhiều Flappy Bird?
- Thời gian vừa qua, Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông luôn được nhắc tới như là điểm sáng trong ngành công nghệ. Để có thêm nhiều sản phẩm nổi bật như vậy, theo ông, các doanh nghiệp nghiệp Việt Nam cần phải làm gì?
Ông Trương Gia Bình: Chúng ta phải làm rất nhiều việc. Trước tiên chúng ta phải có một khuôn khổ pháp lý đặc thù cho vấn đề khởi nghiệp, trong đó có việc xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tiếp theo chúng ta cần phải tạo đầu ra cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tức là phải có những doanh nghiệp lớn sẵn sàng tiếp nhận và mua lại những công ty khởi nghiệp để nhanh chóng triển khai ra thị trường.
Còn trong giáo dục và đào tạo, mỗi trường đại học phải trở thành một vườn ươm các doanh nghiệp khởi nghiệp. Giáo dục cần phải thay đổi cách thức tiếp cận, không phải là đào tạo để sinh viên nắm vững kiến thức mà đào tạo để sinh viên có thể tạo ra các giá trị, các sản phẩm của mình.
Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông là một trong những điểm sáng của ngành phần mềm 5 năm qua. (Ảnh: Vietnam+) |
- Nhiều năm qua, chúng ta khát khao có những phần mềm có thể định danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Bản thân Flappy Bird cũng “đình đám” trong một thời gian rồi hiện chỉ là câu chuyện để khích lệ tinh thần. Là lãnh đạo VINASA và cũng là lãnh đạo công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam FPT, ông có trăn trở về vấn đề này không? Ông có định hướng gì cho ngành cũng như FPT trong thời gian tới?
Ông Trương Gia Bình: Nếu các bạn muốn nói đến phần mềm như hệ điều hành Windows của Microsoft hay Watson của IBM thì tôi cho rằng nếu Việt Nam có sáng tạo ra thì người ta cũng không mua bởi lẽ đây là những phần mềm chuẩn toàn cầu.
Tuy nhiên, trên nền các phần mềm chuẩn đó, doanh nghiệp xây dựng các ứng dụng cho bệnh viện, cho trường đại học, ứng dụng cho giao thông vận tải… thì Việt Nam hiện đang có rất nhiều sản phẩm như vậy. FPT cũng có nhiều sản phẩm như vậy.
Vấn đề ở đây là cần phải đem những phần mềm này bán rộng rãi ra thị trường quốc tế bởi “sân nhà” Việt Nam còn bé nhỏ. Đây cũng là thách thức của các doanh nghiệp.
- Ông có nhắc đến chuyện VINASA chưa làm được nhiều cho khởi nghiệp. Vậy thời gian tới, hiệp hội sẽ khắc phục việc này như nào?
Ông Trương Gia Bình: Chúng tôi đang bàn luận để triển khai một hội nghị cấp cao về khởi nghiệp (Startup summit). Trong khuôn khổ hội nghị này, chúng tôi sẽ lập ra hội đồng đầu tư bao gồm các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã thành công và sẽ là những nhà đầu tư đầu tiên cho các ý tưởng khởi nghiệp.
Chúng tôi bàn bạc về việc kết nối với các Quỹ đầu tư mạo hiểm của Việt Nam và trên thế giới. VINASA cũng mong muốn bàn với tất cả các trường đại học để cùng nhau mở ra các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp tại tất cả các trường. Chúng tôi cũng tạo lập những cơ sở đào tạo dành riêng cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!