Trách nhiệm và nghĩa vụ
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:27, 26/04/2016
Nhưng thực tế chưa hẳn đã như mong đợi. Hầu hết lãnh đạo HĐND quận, huyện, thị xã và ngay cả HĐND thành phố thừa nhận: "Một số đại biểu kiêm nhiệm thường vắng mặt ở các cuộc tiếp xúc cử tri". Hiện nay, cách thức đại biểu HĐND gặp gỡ cử tri phổ biến qua kênh hội nghị tiếp xúc cử tri, còn bằng các kênh khác rất ít. Kênh chính thống mà đại biểu còn vắng mặt thì việc tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri sẽ bằng cách nào?!
Qua gặp gỡ, trao đổi, nhiều cử tri cũng bày tỏ sự chia sẻ với đại biểu kiêm nhiệm, vì cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều vai trò, trọng trách, nên dễ vắng mặt ở các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhưng, sự chia sẻ, cảm thông cũng có giới hạn nhất định; đại biểu có thể vắng mặt một đến hai lần, chứ không thể vắng bốn đến năm lần trong một nhiệm kỳ.
Hơn nữa, đại biểu HĐND là người bảo vệ quyền lợi cho cử tri, phải gần dân và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để cùng các cơ quan nhà nước giải quyết bức xúc một cách thấu đáo, chứ không chỉ có họp, nghe, tiếp thu rồi để đấy… Trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi đại biểu dân cử còn được thể hiện ở việc, phải làm việc xuất phát từ quyền lợi của cử tri nơi mình đại diện. Đại biểu cần xác định mình làm việc cho ai và có trách nhiệm ra sao đối với việc mình làm, mọi hành động của đại biểu phải xuất phát từ quyền lợi chính đáng của cử tri. Việc tiếp xúc cử tri tại cơ sở chính là để xem nhân dân nói gì, nghĩ gì, bức xúc ra sao, từ đó làm căn cứ chất vấn các cơ quan chức năng để đạt mục đích là giải quyết thỏa đáng những phản ánh, kiến nghị chính đáng của cử tri.
Tuy số đại biểu kiêm nhiệm vắng mặt ở các kỳ tiếp xúc cử tri không nhiều, nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của cử tri dành cho đại biểu dân cử. Một kỳ bầu cử mới sắp đến, cử tri sẽ dành sự lựa chọn của mình cho những đại biểu thực sự xứng đáng, để đại biểu làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ vì quyền lợi của nhân dân.